Triển khai cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0

- Thứ Năm, 02/11/2017, 10:44 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch năm 2018. ĐBQH Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) đã đề xuất bổ sung giải pháp tiếp cận và triển khai cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 gồm kết hợp thông tin trong quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nhằm tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng cho nền kinh tế từ năm 2018.

Áp dụng khoa học công nghệ rất hạn chế

Theo đại biểu Lê Công Nhường, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tác động mạnh đến Việt Nam, tác động cả về mặt thuận lợi cũng như bất lợi, nền kinh tế Việt Nam có năng suất thấp cũng không có những tập đoàn, công ty thuộc loại top hàng đầu thế giới; Áp dụng khoa học công nghệ rất hạn chế. Cuộc cách mạng lần thứ 4 quyết định khoảng cách công nghệ và thu nhập giữa Việt Nam và các nước tùy thuộc vào chúng ta có tận dụng được cơ hội, lợi thế của người đi sau hay không.

ĐBQH Lê Công Nhường phát biểu tại hội trường Nguồn: Quochoi.vn

Mấy ngày vừa qua, sự kiện đại học FPT dự kiến thu học phí sinh viên nước ngoài bằng đồng tiền ảo bitcoin đã bị Ngân hàng Nhà nước tuýt còi. Từ ví dụ cụ thể sinh động này, đại biểu Lê Công Nhường nêu quan điểm: Bitcoin và tiền điện tử đang trở thành một chủ đề rất nóng trong giới tài chính nói riêng và trong toàn xã hội nói chung. Được biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoàn chỉnh khung pháp lý để quản lý và xử lý các tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử.

"Tôi mong Chính phủ cần phải tìm lời giải sớm trong bối cảnh hoạt động mua bán, trao đổi đang diễn ra nhộn nhịp. Một số nước đã công nhận là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan. Tôi kiến nghị Chính phủ nên chấp thuận cho FPT triển khai thí điểm đối với sinh viên nước ngoài và trong một thời gian nhất định giúp xây dựng một đề án có thực tế và tốt hơn," đại biểu Nhường kiến nghị.

Tiếp cận cuộc cách mạng KH-CN 4.0

Bên cạnh 7 giải pháp được Chính phủ đề ra cho năm 2018, đại biểu Lê Công Nhường kiến nghị bổ sung thêm một giải pháp là tiếp cận và triển khai cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 gồm kết hợp thông tin trong quản lý nhà nước, trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nhằm tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng cho nền kinh tế từ năm 2018 trở đi để góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong đó có giảm chi phí logicstic cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ và Quốc hội nên cho xây dựng đề án đường sắt cao tốc Bắc Nam với tốc độ khoảng 200 kilomet/giờ với những lý do sau: Quốc hội vừa thông qua Luật Đường sắt tại kỳ họp thứ 3; giá thành vận chuyển đường sắt bằng 40% chi phí đường bộ và giảm thêm khi kết nối với các cảng biển; nếu làm đường sắt Bắc Nam 200 kilomet/giờ thì thời gian đi từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội chỉ mất 7 giờ, lượng hành khách sẽ tăng mạnh giảm áp lực cho sân bay, ngành hàng không và đường bộ vì tốc độ đường bộ cao tốc vẫn chỉ là 120 kilomet/giờ và qua nhiều trạm thu phí.

"Cuối cùng, theo quy tắc Pareto 80/20 có nghĩa là đã chỉ ra có những việc chúng ta đầu tư 80% nguồn lực công sức nhưng chỉ mang lại 20% hiệu quả và ngược lại có những việc chúng ta đầu tư chỉ 20% nguồn lực nhưng mang 80% hiệu quả, trong khi nguồn lực đầu tư của nước ta có hạn tôi kiến nghị Chính phủ nên nghiên cứu đầu tư những lĩnh vực chỉ bỏ ra 20% nguồn lực nhưng mang lại 80% hiệu quả cho đất nước," đại biểu Nhường đề xuất.

Lan Chi