Triển khai nhiều giải pháp giảm khí nhà kính

- Thứ Năm, 10/12/2020, 07:09 - Chia sẻ
Nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cam kết, TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể như đẩy mạnh công tác quản lý về phát thải khí nhà kính, nghiên cứu các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất sang công nghệ sạch và công nghệ mới.

Hệ lụy từ biến đối khí hậu

Tại Việt Nam, trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5ºC và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc, tăng ở phía Nam. Bộ số liệu quan trắc hàng ngày từ mạng lưới các trạm khí tượng trên 7 vùng khí hậu Việt Nam giai đoạn 1961 - 2007 cho thấy, xu thế tăng của nhiệt độ tại các trạm quan trắc trên lãnh thổ Việt Nam phổ biến vào khoảng 0,15 - 0,25ºC/thập kỷ và có sự khác nhau giữa các trạm. Trong đó, khu vực ven biển miền Trung đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ở đồng bằng sông Cửu Long, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn và mùa màng bị thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng.

Công nghệ sản xuất tiên tiến giúp giảm khí thải
Công nghệ sản xuất tiên tiến giúp giảm khí thải
Nguồn: ITN

Theo số liệu phân tích từ kết quả quan trắc năm 2011, mực nước ven biển Việt Nam đang có xu hướng dâng lên, tốc độ trung bình tại Vũng Tàu là 1,33mm/năm. Mực nước biển dâng lên và lượng mưa gia tăng do biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh. Thống kê cho thấy, năm 2014, TP Hồ Chí Minh có khoảng 154 xã, phường thường xuyên ngập úng. Đến năm 2050, Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) dự báo con số này lên đến 177, chiếm 61% diện tích của thành phố. Theo dự báo, trong 10 năm tới, nhiệt độ trung bình ở TP Hồ Chí Minh sẽ tăng 0,5 - 0,8ºC.

Từng là địa phương ít chịu ảnh hưởng của bão nhưng những năm gần đây, bão và áp thấp nhiệt đới đã di chuyển ngày càng sâu hơn vào các tỉnh phía Nam với cường độ mạnh, xuất hiện nhiều siêu bão. Bên cạnh đó, dông lốc xảy ra tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu vào mùa mưa cũng gây thiệt hại về người và tài sản.

Chuyên gia năng lượng và quy hoạch Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu là do lượng khí phát thải vào bầu khí quyển tăng nhanh. Nếu năm 2013, tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2016 ở TP Hồ Chí Minh là là 38,5 triệu tấn, đến 2016 con số này đã lên hơn 52 triệu tấn.

Nghiên cứu giải pháp, chủ động ứng phó

Để giảm tác động của biến đổi khí hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thời gian qua, Sở đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện công tác quản lý về phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trên 5 lĩnh vực, gồm năng lượng cố định; giao thông; chất thải; quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; nông nghiệp, rừng và sử dụng đất. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để nhận được những hỗ trợ về con người, công nghệ, tài chính... như ký bản ghi nhớ về hợp tác với Tổ chức Các thành phố dẫn đầu về ứng phó với biến đổi khí hậu(C40) trong việc tham gia Dự án công khai thông tin về phát thải cacbon; tham gia Dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (Dự án SPI-NAMA).

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021 - 2030; UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện 56 chương trình, dự án, được phân kỳ theo 2 giai đoạn là giai đoạn năm 2020 với 17 chương trình, dự án do 12 sở, ban, ngành chủ trì và giai đoạn từ 2021 - 2030 với 39 chương trình, dự án do 15 sở, ban, ngành chủ trì; với 3 nhiệm vụ trọng tâm là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuẩn bị nguồn nhân lực.

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tiến hành nghiên cứu các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông. Mục tiêu là nghiên cứu nhiên liệu sạch thay thế xăng, diesel cho các phương tiện xe buýt. Ước tính, lượng khí thải nhà kính có thể giảm được là khoảng 57.000 tấn CO2/năm nếu triển khai sử dụng nhiên liệu sạch. Cùng với đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, thành phố sẽ khởi công và hoàn thành 5 tuyến đường sắt đô thị, không chỉ góp phần giảm kẹt xe, mà còn giảm khối lượng phát thải khí nhà kính rất lớn.

Thành phố cũng sẽ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất sang công nghệ sạch và công nghệ mới, với việc tăng cường xây dựng mạng lưới trạm trung chuyển trong nội thành kết hợp sử dụng công nghệ nhiệt phân bùn từ hệ thống xử lý nước thải để thu hồi khí phát điện; triển khai dự án, áp dụng các hiện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm, hàng hóa.

Lê Chi