5 năm triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025:

Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả

- Thứ Hai, 23/11/2020, 18:48 - Chia sẻ
Qua các năm, chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trong lĩnh vực tham gia tố tụng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, nhận được sự phản hồi tích cực của người được TGPL. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá một số kết quả 5 năm thực hiện triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (5 năm thực hiện triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2015-2025 do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức sáng nay, 23.11, tại Hà Nội.

Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng tăng 3.432 vụ việc 

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh cho biết, ngày 1.6.2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước nhằm bảo đảm cho người được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng. Đến nay, đã qua nửa chặng đường thực hiện Đề án, nhiều nội dung của Đề án đã đi vào cuộc sống, làm nên nhiều thay đổi quan trọng trong nhận thức cũng như hành động của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngày 20.6.2017, Quốc hội đã ban hành Luật TGPL trong đó một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của Đề án đổi mới đã được thể chế trong Luật.

Toàn cảnh hội thảo

Có thể nói, cùng với Đề án và Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của TGPL. Theo dự thảo báo cáo Báo cáo đánh giá một số kết quả 5 năm thực hiện triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 (dự thảo Báo cáo), tính đến hết tháng 12.2019, cả nước có 645 trợ giúp viên pháp lý, đều có trình độ cử nhân Luật trở lên; có 24 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với các Sở Tư pháp thực hiện TGPL (trong đó có 16 tổ chức hành nghề luật sư, 8 tổ chức tư vấn pháp luật); 174 tổ chức tham gia TGPL với các Sở Tư pháp, 533 luật sư và 132 cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện TGPL với các Trung tâm TGPL nhà nước.

Kết quả triển khai Đề án cho biết, từ năm 2016 -2019, số vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện đã tăng lên nhiều. Tính đến năm 2019, số vụ việc tham gia tố tụng tăng so với năm 2016 là 3.432 vụ. Từ chỗ hoạt động tham gia tố tụng chủ yếu dựa vào đội ngũ luật sư, thì nay các trợ giúp viên pháp lý đã trở thành lực lượng chính tham gia tố tụng, với hoạt động đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 ngày càng đi vào thực chất. Kết quả này cho thấy, việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho các trợ giúp viên pháp lý là đúng đắn, hiệu quả. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng hiệu quả, người được TGPL được tuyên mức án nhẹ hơn, thậm chí có vụ việc được tuyên vô tội.

Từ thực tế hoạt động của địa phương, bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước TP Hà Nội cho biết: Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, UBND Thành phố, lãnh đạo sở Tư pháp, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn Thủ đô đã có những chuyển biến rõ nét, cả về số lượng  và chất lượng vụ việc, kịp thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý đã giúp cho số vụ việc được trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng tăng nhiều so với trước đây. Chất lượng các vụ việc ngày càng được nâng cao.

"Qua các năm, chất lượng các vụ việc TGPL do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trong lĩnh vực tham gia tố tụng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, nhận được sự phản hồi tích cực của người được TGPL”, bà Tú Anh nhận định.

Luật sư tham gia TGPL còn hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án để nâng cao số lượng, năng lực của người thực hiện TGPL, thu hút nguồn lực xã hội cho việc thực hiện TGPL còn một số khó khăn, hạn chế. So với nhu cầu thực tế, trình độ, kỹ năng của người thực hiện công tác TGPL còn chưa đồng đều, nhất là trong việc tham gia tố tụng, người thực hiện chưa có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực đặc thù. Số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL còn hạn chế chỉ có 533 luật sư/17.545 luật sư trên toàn quốc, (chiếm 3%); 200 tổ chức tham gia TGPL trên tổng số 2.386 tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc (chiếm khoảng 8,38%).

Hoạt động trợ giúp pháp ngày càng hiệu quả. Ảnh: minh họa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tổ chức, cá nhân chưa tích cực tham gia vào công tác TGPL như: thủ tục tham gia TGPL, quy định ký hợp đồng thực hiện TGPL được hướng dẫn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi; thủ tục chi trả thù lao, chi phí thực hiện vụ việc TGPL chưa thực sự phù hợp; thù lao chi phí thực hiện vụ việc TGPL còn quá thấp nên chưa thực sự hấp dẫn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật.

Để nâng cao chất lượng TGPL, nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Luật sư theo hướng cho phép trợ giúp viên pháp lý đã đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và hàng năm đạt chỉ tiêu tham gia tố tụng để có thể được chuyển sang thành luật sư khi có nhu cầu. Sửa đổi quy định về ký hợp đồng thực hiện TGPL theo hướng đơn giản hóa thủ tục, trình tự, lựa chọn, ký hợp đồng TGPL. Cùng với đó, có phương thức truyền thông phong phú, phù hợp nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận và sử dụng TGPL của người dân.

Nhấn mạnh, TGPL có khẳng định được vị trí, vai trò hay không do chất lượng hoạt động TGPL quyết định, bà Nguyễn Tú Anh đề nghị, Cục Trợ giúp pháp lý tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tư pháp đề ra các giải pháp nhằm đánh giá, quản lý chất lượng hoạt động TGPL ngày một tốt hơn. Cùng với đó, có các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện các vụ việc TGPL.

“Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ duy trì và quan tâm đến chế độ bồi dưỡng cho Trợ giúp viên pháp lý, giúp họ yên tâm, gắn bó với công tác TGPL”, bà Nguyễn Tú Anh đề nghị.  

Từ năm 2016 đến hết 6 tháng năm 2020, cả nước thực hiện được 267.626 vụ việc, trong đó có 58.475 vụ việc tham gia tố tụng, 208.509 vụ việc tư vấn pháp luật, 1.152 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Số người được TGPL từ năm 2016 đến hết 2019 là 271.703 lượt người, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được chú trọng, hầu hết được đánh giá là đạt chất lượng và chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu kiện.

Hà An