Triển khai Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15

Trợ lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó

- Thứ Hai, 01/11/2021, 06:40 - Chia sẻ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị định có 5 điều đã quy định rõ ràng, cụ thể các nhóm đối tượng được hưởng lợi cũng như biện pháp triển khai.

Xác định rõ các đối tượng được miễn, giảm

Theo đó, Nghị định đã quy định các đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được miễn thuế; cũng như các loại hàng hóa, dịch vụ được miễn thuế giá trị gia tăng. Chẳng hạn, Điều 1, Nghị định quy định việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập.

Hoặc, tại Điều 2, Nghị định quy định: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 thì được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phát sinh từ hoạt động kinh doanh của các tháng trong quý III và IV năm 2021.

Bên cạnh việc quy định rõ đối tượng được miễn giảm thuế, thì Nghị định cũng quy định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng, kể từ ngày 1.11.2021 đến hết ngày 31.12.2021, như các dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch…; Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; Dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; Dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; Dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, có tới hơn 97% doanh nghiệp của cả nước được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm nay. Đây hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vừa qua.

Hướng dẫn rõ trình tự, thủ tục

Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định được xây dựng theo nguyên tắc minh bạch, dễ thực hiện, hạn chế tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế nhận hỗ trợ. Tổng số tiền thuế được miễn, giảm theo Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong năm 2021 khoảng 138.000 tỷ đồng.

Đối với từng loại đối tượng, hàng hóa, dịch vụ được miễn, giảm thuế thì Nghị định cũng đã có hướng dẫn cụ thể mức độ giảm, trình tự thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ. Chẳng hạn, đối với việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự thảo quy định cách xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm, cụ thể số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm của kỳ tính thuế năm 2021 được tính trên toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản thu nhập quy định tại khoản 3, Điều 18, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hay, tại Mục 4, Điều 2, Nghị định hướng dẫn cụ thể hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong các trường hợp: Cơ quan thuế lập danh sách; hoặc đối với trường hợp cơ quan thuế không phải ra Thông báo nộp tiền thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tổ chức, cá nhân khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ tự xác định số thuế phải nộp sau khi miễn thuế…

Còn đối với các hàng hóa, dịch vụ được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng thì tại Mục 3, Điều 3 Nghị định hướng dẫn: Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

Ngoài ra Nghị định cũng quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xử lý miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020. Theo đó, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, để xác định điều kiện lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020 làm căn cứ xem xét miễn tiền chậm nộp.

Với các quy định tại Nghị định, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đánh giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức triển khai, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể biết được quyền lợi của mình đến đâu, trách nhiệm cụ thể của cơ quan thuế như thế nào để cùng phối hợp thực hiện.

Đình Khoa