Trở về cội nguồn - linh thiêng đất Tổ

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:11 - Chia sẻ
Đã từ rất lâu, người dân đất Việt luôn tự hào vì có những con đường rất đặc biệt: Đường lịch sử, đường hành hương, đường tâm linh, đường du lịch… mà đích đến của nó đều hướng về vùng đất cội nguồn thuộc xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ - nơi gắn liền với lễ hội trọng đại của cả dân tộc - Giỗ Tổ Hùng Vương. Đúng như câu ca lưu truyền: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3".

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

"Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”.

Tháng ba âm lịch về trên vùng đất Tổ Phú Thọ, cả mạch núi rừng đẹp đến nao lòng với núi non hùng vĩ, bạt ngàn tán cọ, đồi chè xanh tươi. Bước chân lên núi Nghĩa Lĩnh cao sừng sững, giữa trời mây non nước và đền chùa là 99 ngọn núi như 99 con voi chầu về Đất Tổ. Lẫn trong làn mưa mỏng là tiếng trống đồng trầm hùng vang lên khắp núi rừng Nghĩa Lĩnh, tiếng trống như đánh thức bình minh, như đánh thức muôn triệu trái tim người dân đất Việt...

Mấy nghìn năm đã trôi qua, thời đại Hùng Vương đã được phủ dày thêm những lớp trầm tích của thời gian và trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, nhưng hình ảnh Vua Hùng luôn sống mãi với đời sống tinh thần của người dân đất Việt. Những tên đất, tên làng quanh núi Nghĩa Lĩnh còn in đậm dấu tích thời đại Hùng Vương như: Gò Tiên Cát, Lầu Phượng bên bờ sông Lô; Tháp Lọng (xã Kim Đức, TP Việt Trì), làng Thậm Thình… Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống tốt đẹp và biểu tượng của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Vậy nên con dân đất Việt ai ai cũng muốn về đây "thắp nén hương trầm bên mộ Tổ, dâng bánh chưng xanh tạ ơn Trời”...

Không còn phải “chen vai thích cánh” xô đẩy như mọi năm, vừa thong dong sắp đồ lễ, bà Tô Thị Nga (đến từ Tuyên Quang) chia sẻ: “Hai năm nay không có phần hội linh đình như mọi năm nên không khí có phần trầm lắng hơn. Thế nhưng, đối với tôi được dâng một nén hương lên các đấng Vua Hùng để tỏ lòng thành kính với công đức của tổ tiên đã dày công khai sơn phá thạch, gây dựng non sông gấm vóc ngày nay đã mãn nguyện rồi... Chung cảm nhận như bà Nga, anh Hoàng Đình Quân (ở TP Hồ Chí Minh) cho biết: Là người con đất Tổ, sống xa quê đã lâu, cứ đến ngày Giỗ Tổ tôi lại cố gắng sắp xếp công việc để về quê. Trước là để giáo dục con cái về nguồn gốc, tổ tông, sau là được sống lại với miền ký ức của những ngày lẽo đẽo theo mẹ, theo bà lên đền…

Cũng như bà Nga và anh Quân, từ những ngày đầu tháng 3 âm lịch, hàng nghìn lượt đồng bào, du khách thập phương đã bắt đầu hành hương về Đền Hùng trước ngày chính hội. Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết: Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội, song lượng du khách về Đền Hùng vẫn gia tăng. Ban Quản lý Khu di tích đã chủ động xây dựng các phương án cụ thể; tăng cường các hoạt động tuyên truyền thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch. Cùng với đó, Ban Quản lý Khu di tích cũng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh trong khu vực theo quy định...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng chia sẻ: Mặc dù là năm lẻ nhưng phương châm của tỉnh là tổ chức Giỗ Tổ “an toàn, trang nghiêm, thành kính”. Với các hoạt động chính ở phần lễ gồm: Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày 17.4 (tức mùng 6.3 âm lịch); lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các huyện, thành, thị ngày 21.4 (tức mùng 10.3 âm lịch)… Đặc biệt, tiếp tục vận động, khuyến khích các gia đình trên địa bàn tỉnh tự chuẩn bị mâm cơm tri ân công đức Tổ tiên của dân tộc trong ngày 10.3 âm lịch. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, tỉnh lựa chọn tổ chức một số hoạt động văn hóa dân gian truyền thống tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và TP Việt Trì. Năm nay, lần đầu tiên tổ chức tour du lịch đêm Đền Hùng - “Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất Tổ”...

Vững tâm phát triển

Có thể nói, văn hóa vừa là sản phẩm sáng tạo của con người, vừa là môi trường nuôi dưỡng đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, góp phần bồi đắp nên những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc. Vùng Đất Tổ được ví như “bảo tàng” của dân tộc với nền tảng văn hóa lâu đời và các huyền tích thiêng liêng là điểm tựa cho tỉnh vững tâm phát triển, đi lên…

Một trong những minh chứng cho sự đổi thay rõ nét nhất của Phú Thọ phải kể đến TP. Việt Trì. Từng được mệnh danh là “thành phố 4b" (bụi, bẩn, bé, bùn), nay đang dần dần chuyển mình thành một vùng đô thị sinh thái “non nước hữu tình”. Nhiều tuyến quốc lộ, cầu và đường như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 2, quốc lộ 32C, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang… được đầu tư nâng cấp và xây dựng, giúp kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, các dự án hạ tầng du lịch, khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại, công trình văn hóa được đưa vào khai thác, tạo điểm nhấn quan trọng trong cảnh quan đô thị. Với những bước đi vững chắc, bài bản, chắc chắn không xa, Việt Trì sẽ sớm trở thành: “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”…

Không chỉ Việt Trì, với các tiềm năng và lợi thế sẵn có, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Phú Thọ đã tạo nên nhiều bứt phá trên các trụ cột kinh tế. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng 7,86%/năm. Đặc biệt, việc thực hiện 4 khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và du lịch được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ một tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng, Phú Thọ đã vươn lên xếp thứ 26/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 3/14 tỉnh miền núi phía Bắc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)...

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu cũng thẳng thắn thừa nhận: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; phát triển tiểu vùng kinh tế động lực theo định hướng không gian còn hạn chế, kết nối vùng kinh tế và Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang còn nhiều bất cập... Bước sang nhiệm kỳ mới, Phú Thọ sẽ tập trung các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Đưa du lịch trở thành một mũi nhọn, đòn bẩy cho các lĩnh vực khác; bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Mục tiêu là đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong giai đoạn 2020 - 2025. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5%/năm trở lên…

Chia tay miền đất Tổ, hòa mình vào dòng người hành hương, lặng ngắm những đồi chè xanh mướt, bên tai tôi vang vọng tiếng hát trầm hùng: “Chúng con cùng nhau về với đền Hùng/ Càng biết rõ hơn mình chung nguồn cội/ Chung mẹ chung cha, chung ngày lễ hội/ Bắc Trung Nam chung một đồng bào… Về đền Hùng con càng hiểu bao nhiêu/ Lời Bác Hồ phải cùng nhau giữ nước/ Giang sơn này một vẹn toàn Tổ Quốc/ 4000 năm vững mãi cột đá thề…".

Bách Hợp