Thương mại kỹ thuật số:

Trọng tâm trong chính sách xoay trục sang châu Á của Biden

- Thứ Bảy, 21/08/2021, 05:54 - Chia sẻ
Tuần tới, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam, trở thành quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Biden tới thăm khu vực. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris đến Singapore và Việt Nam sẽ làm sáng tỏ cách tiếp cận tích cực hơn của Mỹ đối với khu vực, đặc biệt tập trung vào nền kinh tế kỹ thuật số và quan hệ đối tác thương mại kỹ thuật số, trong đó, ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Thương mại kỹ thuật số đang thống trị thế giới

Chuyến thăm của ông Harris diễn ra sau một loạt sự kiện ngoại giao đáng chú ý: Chuyến công du gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines; Hội nghị Đối tác Mekong - Mỹ cấp bộ trưởng lần thứ hai; và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ - ASEAN với nhiều cam kết đáng chú ý về quan hệ đối tác quốc phòng, hỗ trợ phát triển, hỗ trợ trong cuộc chiến chống Covid-19, biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực và cuộc khủng hoảng Myanmar. Mặc dù tuyên bố của Nhà Trắng về chuyến thăm của ông Harris đề cập đến những chủ đề chung mà hai bên cùng quan tâm, nhưng có những lý do để tin rằng chuyến thăm này sẽ mang lại những gì mà những lần trước chưa đạt được: Một cam kết cụ thể của Mỹ trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Trong khi Mỹ loay hoay tìm kiếm một lĩnh vực có thể can dự sâu hơn vào khu vực, thì Trung Quốc đang nỗ lực giành chiến thắng trên mặt trận thương mại kỹ thuật số. Thông qua Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số, được thúc đẩy từ năm 2015, Trung Quốc đã và đang mở rộng ảnh hưởng của mình đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng như bán các tiêu chuẩn kỹ thuật số của Trung Quốc cho không gian mạng. Hai yếu tố chính của Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số bao gồm: Thứ nhất, cung cấp kết nối internet thông qua cáp dưới biển và băng thông rộng internet; thứ hai, thành lập mạng định vị vệ tinh BeiDou của Trung Quốc như một giải pháp thay thế cho hệ thống định vị GPS của Chính phủ Mỹ. Nếu thực hiện thành công, Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số sẽ thiết lập một cơ sở cụ thể cho ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của thế giới.

Một ví dụ sinh động khác cho thấy những bước tiến của Trung Quốc trong cuộc đua thương mại kỹ thuật số là hiệu quả các tiêu chuẩn của Trung Quốc đối với blockchain, một trong những công nghệ kỹ thuật số có ảnh hưởng nhất hiện nay. Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về phát triển công nghệ blockchain; 2/3 số bằng sáng chế liên quan đến blockchain có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào tháng 1.2019, tuyên bố để ngăn chặn tội phạm sử dụng sai công nghệ blockchain, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã thông qua Quy chế Quản lý các dịch vụ thông tin blockchain, yêu cầu các công ty blockchain phải đăng ký thông qua “hệ thống chứng nhận hoàn chỉnh”, yêu cầu người dùng đăng ký với danh tính thực của họ và cho phép CAC lưu trữ dữ liệu, về cơ bản loại bỏ tính năng ẩn danh. Điều đó nằm ở cốt lõi của công nghệ blockchain.

Trên thực tế, phát triển công nghệ blockchain đã trở thành ưu tiên quốc gia sau khi được đưa vào “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” của Trung Quốc năm 2016. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc “cần phải dẫn đầu thiết lập tiêu chuẩn về blockchain trên thế giới”.

Trung Quốc được biết đến với sự kiểm soát của chính quyền và cách tiếp cận của họ đối với tiêu chuẩn blockchain cũng tương tự. Một quan chức Trung Quốc từng phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước: “Khi nói về blockchain, phương Tây thường nói về cách tiếp cận “phi tập trung hóa” (decentralization). Tôi muốn thực hiện một thay đổi nhỏ đối với từ này. Tôi nghĩ bản chất của blockchain là “de-intermediarization” (phi đa phương tiện hóa). Chúng ta không có cách nào để thoát khỏi sự kiểm soát của trung ương”.

Và có vẻ như Trung Quốc đã thành công trong việc thúc đẩy các tiêu chuẩn blockchain mang đặc trưng của Trung Quốc. Đến tháng 10.2019, CAC báo cáo đã chứng nhận 506 công ty trong nước cung cấp dịch vụ blockchain trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm luật, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa. Alibaba, một nhà vô địch về ứng dụng blockchain với cơ sở người tiêu dùng tích cực lên đến 811 triệu trên toàn cầu, đã được đăng ký với CAC, đủ để hình dung quy mô của các tiêu chuẩn blockchain của Trung Quốc đang được thúc đẩy và thực hành tích cực đến mức nào. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa xây dựng chiến lược quốc gia cho blockchain.

Mỹ cần làm gì?

Trên thực tế, hệ thống cáp quang dưới biển cung cấp 99% lưu lượng dữ liệu toàn cầu và do đó đóng vai trò là xương sống của internet. Nhìn vào mật độ cáp ngầm dưới Biển Đông, không nghi ngờ gì nữa, Mỹ nên tìm cách thu hút các đối tác ASEAN trong việc bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng này và thiết lập các tiêu chuẩn thương mại kỹ thuật số tự do.

Washington không còn đủ khả năng tham gia ngoại vi vào ASEAN thông qua việc thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại điện tử. Đã đến lúc Chính phủ Hoa Kỳ phác thảo một chương trình nghị sự thương mại kỹ thuật số toàn khu vực, dựa trên các quy định về các công nghệ kỹ thuật số quan trọng bao gồm trí tuệ nhân tạo, blockchain, Hệ thống vạn vật kết nối internet (Internet of Things - IoT) và in 3D.

Điều quan trọng nhất, Mỹ sẽ được hưởng lợi kinh tế từ việc đầu tư vào thương mại kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này đã, đang và sẽ tiếp tục là trung tâm của sự bùng nổ kỹ thuật số. Châu Á là nơi có một nửa số người sử dụng internet trên thế giới. 94,2% dân số của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được phủ sóng mạng 4G, trong khi 70,3% dân số trong độ tuổi 15 - 24 của khu vực thường xuyên sử dụng internet. Thương mại điện tử của khu vực này có doanh thu lên đến 2,45 nghìn tỷ USD vào năm 2020, gấp ba lần so với Bắc Mỹ, vốn chỉ đạt 749 tỷ USD trong cùng năm. Người ta ước tính rằng chỉ riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chiếm 63% doanh số thương mại điện tử toàn cầu vào năm ngoái.

Với thực tế Facebook, YouTube và WhatsApp là ba nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất, sẽ không mất nhiều thời gian để Mỹ lấy lại ảnh hưởng của mình trên thị trường kỹ thuật số châu Á - Thái Bình Dương, nếu Washington thực sự cam kết đầu tư vào cơ sở khách hàng của khu vực.

Nếu Nhà Trắng xem xét khả năng có một hiệp định thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, thì nó phải vượt ra ngoài những gì mà các chương về thương mại điện tử trong các hiệp định thương mại hiện có đề cập. Ngoài ra, một thỏa thuận như vậy cần tập trung vào những khía cạnh sau: Thứ nhất, phải gồm các quy định quản lý các công nghệ kỹ thuật số mới nổi như AI, blockchain, hệ thống vạn vật kết nối internet và in 3D. Thứ hai, thỏa thuận đó nên hướng đến thúc đẩy đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm mạng 5G, điện toán đám mây, Hệ thống cáp viễn thông tàu ngầm, băng thông rộng và chuỗi cung ứng bán dẫn; Thứ ba, thỏa thuận nên tập trung vào hệ thống truyền dữ liệu xuyên biên giới, đổi mới dữ liệu, dữ liệu mở của chính phủ và tạo ra chính sách cạnh tranh của Mỹ cho các thị trường kỹ thuật số.

Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số được ký kết gần đây giữa Singapore, Chile và New Zealand cũng như Thỏa thuận Kinh tế Kỹ thuật số Singapore - Australia cho thấy sự kết hợp đầy tham vọng các quy định cho các công nghệ mới nổi cũng như áp dụng phương pháp mô-đun linh hoạt. Các thỏa thuận này có thể cung cấp điểm tham chiếu hữu ích cho chương trình nghị sự thương mại kỹ thuật số của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ASEAN nói chung, Singapore và Việt Nam nói riêng, có cơ hội tốt để trở thành một phần thiết yếu của Kế hoạch Marshall kỹ thuật số mà Mỹ thúc đẩy. Về mặt địa lý, ASEAN nằm ở trung tâm của châu Á - Thái Bình Dương và cư dân mạng của khối này dẫn đầu thế giới về cả thời gian sử dụng mạng xã hội và nền tảng trực tuyến. Hơn nữa, Singapore hiện đang tiên phong trong các hiệp định thương mại kỹ thuật số thế hệ mới. Ngoài các đối tác hiện có như New Zealand, Chile và Australia, Singapore đã và đang theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại kỹ thuật số với Hàn Quốc, Anh và Việt Nam. Về phần mình, Mỹ đã ký kết một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số với Nhật Bản. Các quốc gia này cùng với các quốc gia ASEAN tiên tiến về kỹ thuật số khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines, sẽ tạo thành cơ sở tốt cho sự tham gia của Mỹ vào lĩnh vực thương mại kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.

Mặc dù mô tả Trung Quốc là "đối thủ địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ này”, Mỹ lại xem nhẹ các khoản đầu tư vào lĩnh vực vốn là một trong những thế mạnh cốt lõi của họ: Công nghệ kỹ thuật số tiên tiến. Mãi cho đến khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, các khoản đầu tư cụ thể vào tiềm năng kỹ thuật số của Mỹ mới được ban hành. Vào tháng 2.2021, Biden đã ký lệnh điều hành để cải thiện sản xuất chất bán dẫn, dược phẩm và các công nghệ tiên tiến khác của Mỹ, nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng công nghệ “không có Trung Quốc”.

Vào tháng 6.2021, Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác cuối cùng đã công bố giải pháp thay thế cơ sở hạ tầng toàn cầu được chờ đợi từ lâu mang tên Sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W), để đối trọng với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Cùng tháng, chính quyền Biden bắt đầu tìm kiếm sự ủng hộ của lưỡng đảng để đầu tư 100 tỷ USD vào một kế hoạch cơ sở hạ tầng băng thông rộng đầy tham vọng nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số ở vùng nông thôn Mỹ.

Với động lực này, có vẻ hợp lý khi kỳ vọng rằng chuyến đi của Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ ưu tiên các cuộc thảo luận về thương mại kỹ thuật số và đặt nền tảng cho chính sách thương mại kỹ thuật số của Washington trong khu vực. Việc xây dựng một hiệp định thương mại tự do giải quyết các mối quan tâm về kỹ thuật số không nên là một “khả năng” , mà là một hành động “phải có” trong chuyến công du của quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden tới châu Á.

Đạt Quốc