Kiểm tra công vụ

Trọng tâm và trọng điểm

- Thứ Hai, 05/04/2021, 06:48 - Chia sẻ
Sau 3 năm triển khai Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 2.4.2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ, đến nay công tác kiểm tra đã có những chuyển biến rõ nét trong hoạt động công vụ. Hoạt động của Tổ công tác đã góp phần quan trọng vào hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ, hướng tới người dân, doanh nghiệp và góp phần khắc phục tình trạng trì trệ, hành chính hóa trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Kiểm tra tại 44 bộ, ngành và địa phương

Triển khai Quyết định số 364/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 44 cuộc kiểm tra tại 14 bộ, ngành, 30 địa phương và yêu cầu các đơn vị còn lại gửi báo cáo về Tổ công tác các nội dung liên quan. Trong đó có những nội dung lớn như : Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; kiểm tra kết quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế và tinh giản biên chế công chức, viên chức và lao động hợp đồng gắn với nguồn kinh phí trả lương tại các bộ, ngành, địa phương; kiểm tra việc tiếp công dân của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công vụ tại bộ phận Một cửa UBND quận Bắc Từ Liêm
Nguồn ITN

Qua các cuộc kiểm tra, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; sử dụng biên chế và tinh giản biên chế; tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về bổ nhiệm (bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo và bổ nhiệm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức), số lượng cấp phó, việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; giải quyết khiếu nại tố cáo và việc tiếp công dân của người đứng đầu và có biện pháp nhằm nâng cao việc chấp hành các quy định của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ.

Với sự hoạt động tích cực của Tổ công tác, nhiều hạn chế, tồn tại của các bộ, ngành, địa phương được kiểm tra đã cơ bản được khắc phục; các bộ, ngành, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát hơn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giao cũng như triển khai thực hiện các kiến nghị của Tổ công tác; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Hoạt động của Tổ công tác đã góp phần quan trọng vào hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ, hướng tới người dân, doanh nghiệp và khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, hành chính hóa trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, việc kiểm tra công vụ không phải “vạch lá tìm sâu”, không phải phát hiện để xử lý, mà giúp các bộ, ngành, địa phương khắc phục hạn chế, giúp các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện thể chế, do đó, các vi phạm năm sau ít hơn năm trước, không tái phạm các vấn đề đã phát hiện. 

Dẫu vậy, nói về những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chỉ rõ: Tổ công tác chưa thực sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch; nội dung kiểm tra chưa linh hoạt theo từng bộ, ngành, địa phương; thành viên Tổ công tác đôi khi còn vắng, ảnh hướng chất lượng cuộc kiểm tra, chưa góp ý nhiều cho địa phương khắc phục sai sót; các đơn vị được kiểm tra vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian, chuẩn bị nội dung kiểm tra chưa đạt yêu cầu của Tổ công tác, vẫn còn tình trạng chậm khắc phục sai phạm sau thanh tra, kiểm tra…

Cần tái kiểm tra, giám sát

Sau 3 năm hoạt động, bên cạnh việc kiểm tra hoạt động công vụ, Tổ công tác đã kết hợp với thanh tra, kiểm tra công tác cải cách hành chính, công tác dân vận chính quyền và đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan, tháo gỡ vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương; xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến hoạt động công vụ. Thông qua đó, hoạt động kiểm tra đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa đến các bộ, ngành, địa phương.

Từ thực tế hoạt động kiểm tra của Tổ công tác cho thấy, nơi nào lãnh đạo quan tâm thường xuyên, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát thì nơi đó ít xảy ra sai phạm; nơi nào phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương thì công việc không bị ách tắc, chậm trễ; nơi nào đã được phát hiện sai phạm nếu biết khắc phục, sửa chữa thì không tái phạm và không lợi dụng khoảng trống chính sách pháp luật để trục lợi. Qua kiểm tra và thanh tra đã phát hiện sai phạm thì phải xử lý dứt điểm; đồng thời, đã phát hiện thể chế chưa hoàn thiện thì phải nghiên cứu, khắc phục kịp thời…

Do vậy, để hoạt động kiểm tra công vụ đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Tổ công tác phải bám sát nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; công tác kiểm tra phải có mục tiêu, nội dung kiểm tra hàng năm cho phù hợp với đặc thù từng bộ, ngành, địa phương; kiểm tra việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, công tác tinh giản biên chế; nghiên cứu đổi mới công tác kiểm tra, hình thức kiểm tra và báo cáo công tác kiểm tra, có thể kiểm tra trực tiếp, có thể phối hợp với công tác thanh tra hoặc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến…

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện của nhiều bộ, ngành địa phương cũng cho rằng: để hoạt động của Tổ đạt hiệu quả, thực chất hơn, thì công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, cần kiểm tra các vấn đề xã hội quan tâm, nhất là những vấn đề đã được các cơ quan báo chí đề cập. Trong quá trình kiểm tra, nếu có vấn đề, vụ việc phức tạp phải chuyển cơ quan thanh tra xử lý theo thẩm quyền. Đặc biệt, cần phải có tái kiểm tra, giám sát và tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông để các cấp chính quyền và nhân dân hiểu được các nội dung Tổ công tác thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Bảo Hân