Trực tuyến nhưng vẫn trực tiếp

- Thứ Năm, 13/05/2021, 06:21 - Chia sẻ
Một doanh nghiệp chuyên chế tạo, sản xuất động cơ hàng không, thành lập tại Việt Nam từ năm 2017; năm 2020, doanh nghiệp đã đưa xưởng thứ 2 vào hoạt động nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về những điểm nghẽn khi thực hiện quy định pháp luật về thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2020, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực.

Có thể thấy, minh bạch pháp lý là một trong những điều kiện tiên quyết để thu hút nhà đầu tư. Đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam được đánh giá là khá đầy đủ và ngày càng được cải thiện tốt hơn trước. Tuy nhiên, pháp luật về đầu tư nước ngoài vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ và không nhất quán về chủ trương, thậm chí nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ. Đặc biệt, không hiếm quy định còn rườm rà, phức tạp, khó hiểu, đặc biệt là những quy định, thủ tục liên quan đến thuế quan và đầu tư.

Mặc dù hầu hết nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong nước đánh giá khá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, song đại diện nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn về sự thay đổi thường xuyên của hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hay như Chính phủ điện tử vẫn chưa thực sự phát huy hết được kỳ vọng.

Thực tế, trong khi chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài thì việc thực thi ở cấp địa phương lại có những tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Do vậy, thu hút và khuyến khích đầu tư không chỉ dừng lại ở việc có một thể chế và chính sách đầy đủ mà còn phải chú trọng đến việc thực thi chính sách một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp FDI là việc triển khai Chính phủ điện tử (e-Government) trong những năm gần đây, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử (EGDI) 2020, Việt Nam thuộc nhóm nước có chỉ số ở mức cao với xếp hạng 86, tăng 2 bậc so với năm 2018. Báo cáo ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến như gia tăng mạnh mẽ số lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phát huy mạnh mẽ vai trò của Cổng dịch vụ công quốc gia với số lượng truy cập, dịch vụ cung cấp, số lượng tiếp nhận và giải quyết các cuộc gọi/phản ánh kiến nghị, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Vậy nhưng, khảo sát gần đây từ doanh nghiệp FDI cho thấy, họ gặp không ít trở ngại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến như: xử lý hồ sơ chậm so với quy định mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu nhân lực, không đủ năng lực để giải quyết khối lượng lớn hồ sơ của doanh nghiệp; thông tin về Cổng dịch vụ công quốc gia chưa đến được với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài (do Cổng dịch vụ công quốc gia chưa có phiên bản tiếng Anh/tiếng nước ngoài). Điều này, dẫn đến tình trạng nhiều thủ tục tuy đã được cung cấp trực tuyến nhưng doanh nghiệp vẫn phải thực hiện quy trình tại cơ quan nhà nước, gây tốn kém về nguồn lực, chi phí và thời gian.

Đình Khoa