Trung Quốc củng cố cơ chế 17+1

- Thứ Năm, 10/06/2021, 08:21 - Chia sẻ
Tuần trước, Bắc Kinh đã mời 3 Ngoại trưởng trong nhóm 17+1 gồm Hungary, Ba Lan và Serbia, cùng đối tác Ireland tới Trung Quốc. Động thái này cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực duy trì cơ chế “17+1” nhằm hợp tác với các nước Trung và Đông Âu sau khi Lítva tuyên bố rời đi.

Tấm “thẻ vàng” từ Lítva

Trước đó, Lítva cho biết nước này chính thức rời diễn đàn 17+1 của Trung Quốc với các quốc gia Trung và Đông Âu. “Lítva không còn coi mình là thành viên nhóm 17+1 và không còn tham gia sáng kiến này”, Ngoại trưởng Lítva Gabrielius Landsbergis cho rằng nhóm hợp tác này “gây chia rẽ” theo quan điểm của Liên minh châu Âu (EU).

Diễn đàn hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu (còn gọi là diễn đàn 17+1) là sáng kiến được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tại Warsaw năm 2012, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Bắc Kinh với 17 quốc gia châu Âu. Diễn đàn này nhóm họp thường niên tại thủ đô các nước thành viên, với ban thư ký đặt tại Bắc Kinh, cùng 17 điều phối viên quốc gia tại từng nước.

Ngoại trưởng Landsbergis kêu gọi các thành viên EU rời khỏi nhóm 17+1 để theo đuổi “cách tiếp cận và liên lạc 27+1 với Trung Quốc có tính hiệu quả hơn nhiều”. “Sức mạnh và ảnh hưởng của châu Âu nằm ở sự thống nhất”, ông Landsbergis cho biết.

Phản ứng ngay sau quyết định trên của Lítva, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, quyết định này không ảnh hưởng đến cơ chế hợp tác hiện hành. Ông nhấn mạnh, đây là cơ chế hợp tác xuyên khu vực do Trung Quốc và các nước Trung Đông Âu cùng khởi xướng. 9 năm qua, cơ chế này đã gặt hái nhiều kết quả và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân các nước thành viên. Trong quá trình hợp tác, các bên luôn tuân thủ nguyên tắc hiệp thương tự nguyện, cùng bàn bạc xây dựng, cởi mở bao trùm, coi đây là sự bổ sung hữu hiệu và quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và EU. Phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhận định với những người đồng cấp rằng “phản ứng bình tĩnh” trước những khó khăn hiện tại là điều cần thiết.

Quyết định của Lítva được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang xấu đi nghiêm trọng, với đỉnh điểm là việc Nghị viện châu Âu nhất trí đình chỉ xem xét Thỏa thuận Đầu tư toàn diện vừa đạt được giữa EU và Bắc Kinh vào cuối năm 2020, sau khi Trung Quốc áp lệnh trừng phạt nhằm vào các thành viên nghị viện cùng học giả châu Âu.

Trước đó, Lítva cũng có một loạt động thái khiến Trung Quốc tức giận, bao gồm ngăn chặn hoạt động đầu tư của nước này và tuyên bố sẽ mở văn phòng thương mại tại Đài Loan (Trung Quốc) và việc Quốc hội Lítva ngày 20.5 thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương, điều mà Trung Quốc vốn coi là công việc nội bộ của nước này.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Hungary Szijjártó Péter trong cuộc gặp cuối tuần trước
Nguồn: Tân Hoa Xã 

Kết nối “những người ở lại”

Các chuyên gia Trung Quốc lên án hành động của Lítva là “khởi đầu tồi tệ”, nhưng cho rằng cơ chế “17+1” sẽ không vì sự rút lui của quốc gia nào đó mà không thể tiếp tục.

Tuyên bố từ Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, định dạng 17+1 nên vẫn là trụ cột quan trọng cho hợp tác giữa châu Âu và Trung Quốc sau khi “những điều chỉnh cần thiết” được thực hiện.

Grzegorz Stec, nhà phân tích tại Viện Mercator nghiên cứu về Trung Quốc tại Berlin cũng nhận định, sự ra đi của Lítva là tấm “thẻ vàng” cho khung hoạt động của 17+1, nhưng việc này chưa thể trở thành “thẻ đỏ”. Ông Stec đánh giá, sẽ khó có phản ứng dây chuyền từ 16 nước thành viên còn lại nhưng chắc chắn họ đang nghe ngóng xem Bắc Kinh sẽ xử trí ra sao với sự rời đi của Lítva và liệu nước này có đưa ra thêm những đề nghị thu hút hơn hay không. “Chuyến thăm của 4 ngoại trưởng là một phần trong nỗ lực tấn công quyến rũ để kiểm soát tổn thất của Trung Quốc”, chuyên gia này cho hay.

Nhà quan sát Yu Nanping, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học East China Normal cho rằng, các quốc gia như Ba Lan và Hungary “nổi lên ở châu Âu như một lực lượng mới” để “tìm kiếm tiếng nói chung độc lập với châu Âu già cỗi”, chẳng hạn như việc phản đối các chính sách về nhập cư của Ủy ban châu Âu.

Ông Yu Nanping cũng đánh giá những bình luận của Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau về việc đưa ra những điều chỉnh cần thiết với khung hoạt động của 17+1 tức là “những bên muốn rời đi sẽ có cơ chế rời đi và những bên sẵn sàng ở lại sẽ hợp tác với nhau”. Ông tiếp tục: “Bằng cách nói này, Ba Lan muốn làm nổi bật tầm quan trọng của mình ở 17+1 và toàn bộ khu vực Trung và Đông Âu”.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Phúc Đán Ding Chun nhận định, cuộc gặp cuối tuần trước của Ngoại trưởng Trung Quốc với 4 ngoại trưởng Đông Âu là một động thái có ý nghĩa. “Ba Lan là một nước rất quan trọng với Trung Quốc trong việc kết nối với các nước Trung và Đông Âu. Trong khi Ba Lan cũng có quan hệ tốt đẹp với Mỹ thì nước này là một đối tác quan trọng với Trung Quốc trong cơ chế 17+1. Trung Quốc có thể tiếp tục tận dụng Ba Lan để hiểu về những yêu cầu của EU cũng như duy trì đối thoại”.

Tuy nhiên, liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU, các nhà quan sát cho rằng, những căng thẳng gần đây khiến châu Âu duy trì hướng tiếp cận quyết đoán và rõ ràng hơn với Trung Quốc. 

Ông Craig Kafura, Trợ lý giám đốc về quan hệ công chúng và chính sách đối ngoại tại Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu nhận định, sáng kiến gần đây không thể giải quyết căng thẳng dẫn đến việc đóng băng Thỏa thuận Đầu tư toàn diện giữa EU và Trung Quốc. “Tôi không nghĩ sẽ có nhiều cải thiện trong quan hệ giữa Trung Quốc và EU. Cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện châu Âu nhằm đóng băng thỏa thuận là không thể đảo ngược và quy trình hàn gắn mối quan hệ này đòi hỏi nỗ lực của Trung Quốc không chỉ với cơ chế 17+1 là đủ mà đó phải là 27+1”, ông Craig Kafura lưu ý.

Đạt Quốc
Theo SCMP