Trung Quốc đối phó với già hóa dân số

- Thứ Năm, 03/06/2021, 06:41 - Chia sẻ
Cuộc họp mới đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra chủ trương nới lỏng giới hạn sinh đẻ, cho phép tất cả các cặp vợ chồng có thể sinh tối đa ba con thay vì hai con, với hy vọng làm chậm tốc độ già hóa dân số, vốn đang gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế và xã hội.
Nguồn: AP

Thay đổi phù hợp với thực tiễn

Trung Quốc đã thực thi chính sách giới hạn sinh từ năm 1980 để hạn chế sự gia tăng dân số, nhưng trong tình hình hiện nay, số lượng người trong độ tuổi lao động đang giảm quá nhanh trong khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi tăng lên. Điều đó có nguy cơ phá vỡ tham vọng biến Trung Quốc thành một xã hội tiêu dùng thịnh vượng và dẫn đầu về công nghệ toàn cầu.

Theo Tân Hoa xã, cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì cách đây 3 hôm đã quyết định đưa ra “các biện pháp tích cực đối phó với tình trạng dân số già”. Hãng thông tấn của nhà nước này cho biết, các nhà lãnh đạo đã đồng ý “thực hiện chính sách một cặp vợ chồng có thể có ba con và ủng hộ các biện pháp có lợi cho việc cải thiện cơ cấu dân số của quốc gia”. Họ cũng nhất trí Trung Quốc cần tăng tuổi nghỉ hưu để giữ nhiều người hơn trong lực lượng lao động, đồng thời cải thiện chế độ hưu trí và dịch vụ y tế cho người cao tuổi.

Thực tế, các quy định hạn chế hầu hết các cặp vợ chồng sinh một con đã được nới lỏng vào năm 2015 để cho phép sinh hai con, song tổng số ca sinh lại giảm hơn nữa. Điều đó cho thấy bản thân thay đổi quy định này ít tác động đến xu hướng trên.

Tương tự như các nền kinh tế lớn khác, chi phí nhà ở và giáo dục cao ở Trung Quốc đã ngăn cản người dân sinh con. Nhiều cặp vợ chồng cho biết, họ đang gặp khó khăn bởi chi phí nuôi con cao, trong khi công việc không ổn định mà vẫn phải bảo đảm bổn phận chăm sóc cha mẹ già.

Tuy nhiên, phản ứng với thông tin về chính sách giới hạn sinh đẻ mới, nhiều người dân Trung Quốc đã để lại bình luận trên mạng xã hội. Họ phàn nàn rằng, thay đổi này không giúp được gì cho các bậc cha mẹ trẻ về hóa đơn y tế, thu nhập thấp và lịch trình làm việc mệt mỏi thường được gọi là “996”, tức là 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, và 6 ngày trong một tuần.

Một tài khoản trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đánh giá: “Mọi giai đoạn của vấn đề vẫn chưa được giải quyết”. “Ai sẽ nuôi con? Bạn có thời gian không? Tôi đi sớm và về muộn. Bọn trẻ thậm chí còn không biết bố mẹ chúng trông như thế nào”. Một tài khoản khác thì đùa một cách cay đắng: “Đừng lo lắng về tuổi tác. Thế hệ của chúng tôi sẽ không còn sống lâu nữa”.

Ngăn tình trạng “già trước khi giàu”

Trung Quốc, cùng với Thái Lan và một số nền kinh tế châu Á khác, hiện phải đối mặt với thách thức mà các nhà kinh tế gọi là liệu họ có thể giàu trước khi già hay không.

Dân số 1,4 tỷ người ở Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này và bắt đầu giảm. Dữ liệu điều tra dân số công bố ngày 11.5 cho thấy, xu hướng đó đang diễn ra nhanh hơn dự kiến, tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và lương hưu vốn đang thiếu thốn, đồng thời cắt giảm số lượng lao động tương lai sẵn có để hỗ trợ nhóm người về hưu đang gia tăng.

Tỷ lệ những người trong độ tuổi lao động từ 15 - 59 trong dân số đã giảm xuống 63,3% vào năm ngoái, từ mức 70,1% của thập kỷ trước. Trong khi đó, nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên tăng từ 8,9% lên 13,5%. Xét về bối cảnh, với 13,5% này, Trung Quốc đang có số người cao tuổi gần bằng Nhật Bản những năm đầu thập niên 1990 - thời điểm được nhận định là khởi đầu của 3 thập kỷ kinh tế đình trệ và mất mát của đất nước mặt trời mọc. Chưa hết, ở Trung Quốc, 12 triệu ca sinh được báo cáo trong năm ngoái cũng giảm gần 1/5 so với năm 2019. Theo quan chức thống kê Ning Jizhe, khoảng 40% là con thứ hai, giảm so với mức 50% vào năm 2017.

Các nhà nghiên cứu và Bộ Lao động Trung Quốc cho hay, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có thể giảm còn một nửa dân số vào năm 2050. Điều đó làm tăng “tỷ lệ phụ thuộc”, hoặc số người nghỉ hưu, vốn phải dựa vào mỗi người lao động để tạo thu nhập cho quỹ hưu trí và trả thuế cho y tế và các dịch vụ công cộng khác.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại cuộc họp mới đây đều nhất trí, “phải thực hiện đều đặn việc trì hoãn dần độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp”, Tân Hoa xã cho biết. Mặc dù cuộc họp không đưa ra chi tiết, nhưng Chính phủ đã tranh luận về việc nâng tuổi nghỉ hưu chính thức hiện đang là 60 tuổi đối với nam giới, 55 tuổi đối với lao động nữ “cổ cồn trắng” và 50 tuổi đối với công nhân.

Tuy nhiên sự thay đổi tiềm năng đó không nhận được sự tán thành từ mọi phía. Một số chuyên gia nữ hoan nghênh cơ hội được ở lại với những nghề nghiệp thỏa mãn, nhưng nhiều người khác có cơ thể bị bào mòn sau nhiều thập kỷ lao động chân tay lại không hài lòng khi phải làm việc lâu hơn.

Tỷ suất sinh, hay số sinh trung bình của mỗi bà mẹ Trung Quốc, ở mức 1,3 vào năm 2020, thấp hơn rất nhiều so với mức 2,1, vốn được coi là sẽ duy trì quy mô dân số. Còn tỷ lệ sinh của Trung Quốc, song song với xu hướng ở các nền kinh tế châu Á khác, đã giảm thậm chí trước cả khi chính sách một con được áp dụng trước đây. Theo Ngân hàng Thế giới, số con trung bình của mỗi bà mẹ Trung Quốc giảm từ trên 6 con trong những năm 1960 xuống dưới 3 con vào năm 1980.

Giảm sinh càng khiến cho nguy cơ già hóa dân số trở nên nghiêm trọng. Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại ngân hàng ANZ nhận định, dân số già của Trung Quốc sẽ tác động lớn đến thế giới vì chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nước này. Theo tính toán của chuyên gia, trong vài năm tới, lực lượng lao động Trung Quốc sẽ mất đi 70 triệu người và đây chính là cú sốc thực sự cho chuỗi cung ứng nói trên.

Linh Anh