Hợp pháp hóa đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số

Trung Quốc tiến tới quốc tế hóa đồng nội tệ

- Thứ Năm, 29/10/2020, 06:38 - Chia sẻ
Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc ra mắt đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền riêng bằng cách tạo cho nó nền tảng pháp lý với việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa lần thứ hai. Theo đó, lần đầu tiên có quy định đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số được phép lưu hành và chuyển đổi như tiền tệ vật chất. Đây là một bước nhằm quốc tế hóa đồng tiền quốc gia trong cuộc cạnh tranh với đồng tiền Xanh của Mỹ.

DCEP là gì?

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã công bố dự thảo Luật Ngân hàng sửa đổi, nhằm cung cấp tư cách pháp lý cho hệ thống Tiền tệ kỹ thuật số/thanh toán điện tử (Digital Currency Electronic Payment - DCEP) và lần đầu tiên đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đã được xác định là một phần của chủ quyền quốc gia. Trong thông báo cuối ngày 23.10, PBoC cho biết, họ đang nhận phản hồi của công chúng đối với dự thảo sửa đổi này cho đến ngày 23.11.

Trong Điều 19, Khoản 3, dự thảo Luật sửa đổi đề xuất có đoạn: “Đồng Nhân dân tệ bao gồm cả dạng vật chất và dạng kỹ thuật số”. Ông Mu Changchun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của PBoC sau đó cũng khẳng định, DCEP sẽ được phép lưu hành và chuyển đổi như tiền giấy và tiền xu.

Việc sửa đổi luật lần này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai rộng rãi hơn sáng kiến Nhân dân tệ kỹ thuật số vốn được chờ đợi từ lâu của PBoC. Thay vì dự trữ bằng đồng Nhân dân tệ, PBoC sẽ tính tiền kỹ thuật số cho các ngân hàng thương mại. Không giống như bitcoin, đây là phiên bản điện tử của đồng tiền quốc gia Trung Quốc, được bảo đảm bởi dự trữ nhà nước. Khách hàng có thể mở ví trong ngân hàng và sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số để thanh toán với chi phí thấp hơn và mức độ bảo mật cao, vì điều này giúp loại bỏ nguy cơ bị trừng phạt của bên thứ ba.

Ý nghĩa của DCEP là chúng được thiết kế để thay thế hệ thống tiền dự trữ (Reserve Money) cắt giảm chi phí trong chuyển khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, tiền tệ kỹ thuật số trung ương sẽ giúp giảm thiểu rủi ro so với các giao dịch tiền giấy như vấn nạn tiền giả, rửa tiền và tài trợ các hành vi bất hợp pháp.

Một số người tin rằng việc giám sát tài chính và tiền tệ sẽ được cải thiện, do các nhà quản lý có thể giám sát tốt hơn các giao dịch tiền tệ kỹ thuật số. Ngoài ra, DCEP cũng có thể giảm chi phí liên quan đến việc duy trì và tái chế tiền giấy, tiền xu.

Về cơ bản, DCEP đã sẵn sàng trở thành một phiên bản kỹ thuật số của đồng Nhân dân tệ. Hơn nữa, việc phát hành DCEP có lợi cho việc thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và định hình lại hệ thống thanh toán quốc tế hiện tại.

Tiền tệ kỹ thuật số hợp pháp duy nhất tại Trung Quốc

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cấm bất kỳ bên nào tạo hoặc phát hành mã thông báo kỹ thuật số được hỗ trợ bằng Nhân dân tệ để thay thế đồng Nhân dân tệ trên thị trường. Điều 22, Khoản 3, Dự thảo Luật nêu rõ: “Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng không được phép triển khai hoặc phát hành bất cứ tín phiếu được mã hóa hoặc token kỹ thuật số nào thay thế việc lưu hành Nhân dân tệ trên thị trường. Bất kỳ ai vi phạm quy định này, PBoC sẽ tạm dừng hoạt động đó và tịch thu mọi khoản tiền kiếm được từ việc tạo và bán các token kỹ thuật số được bảo trợ bằng Nhân dân tệ và phạt tiền lên đến 5 lần số tiền thu được có liên quan”.

Ông Mu Changchun nói: “Việc quản lý tập trung đối với đồng tiền kỹ thuật số sẽ là cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro. PBoC lo ngại việc quản lý nguồn cung tiền sẽ trở nên khó khăn nếu các loại tiền ảo do khu vực tư nhân phát hành lưu thông tự do trên thị trường”.

 Trung Quốc đã phát hành khung thiết kế cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số ngay sau khi Facebook công bố đồng tiền ảo Libra đầy tham vọng của mình năm ngoái, với kế hoạch tạo ra cấu trúc bảo vệ hai lớp và áp dụng cho các giao dịch bán kẻ quy mô nhỏ. Với việc tạo ra nền tảng pháp lý cho DCEP, Trung Quốc có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền, sau khi tiến hành một loạt thử nghiệm ở bốn thành phố - Tô Châu, Thâm Quyến, Thành Đô và Hùng An, cũng như tại các địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh.

Đầu tháng này, một quận ở Thâm Quyến đã tặng 50.000 "bao lì xì" kỹ thuật số, tổng trị giá 10 triệu Nhân dân tệ (1,5 triệu USD), cho người dân địa phương trong cuộc thử nghiệm quy mô lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Chính quyền Trung ương Trung Quốc xác định mục tiêu đưa DCEP thay thế tiền mặt, duy trì kiểm soát của chính phủ đối với các loại tiền tệ và tạo ra càng nhiều ứng dụng bán lẻ càng tốt. Trung Quốc cũng đang hướng đến quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ bằng cách tăng cường sử dụng trong các thanh toán quốc tế.

Trấn an những lo ngại

Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc đang có một số quan ngại về đồng tiền ảo, đặc biệt là khả năng chuyển đổi, tính riêng tư và an toàn.

Trong cuộc họp báo hôm 25.10, ông Mu Changchun đã đề cập đến những “bẫy” tiềm ẩn của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số khi chỉ ra mức độ dễ tiếp cận của nó cũng như những rủi ro liên quan đến ví điện tử giả. Tuy nhiên, về những lo ngại này, ông cho rằng chính những rủi ro đó càng củng cố nhu cầu giám sát của Ngân hàng Trung ương. “PBoC sẽ phải đối mặt với các vấn đề chống tiền giả trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, ông nói và cho biết thêm rằng Ngân hàng Trung ương sẽ “phối hợp xây dựng các kịch bản ứng dụng tiền kỹ thuật số cho mục đích nhận dạng”.

Ngoài ra, ông cũng cho biết PBoC đang tạo ra các phiên bản tiền tệ kỹ thuật số phù hợp với những người “mù” công nghệ. “Chúng tôi đang phát triển một sản phẩm Nhân dân tệ kỹ thuật số phù hợp với người cao tuổi và những người không sử dụng thiết bị đầu cuối thông minh”, ông nói.

Ông Mu Changchun cũng trấn an dư luận khi khẳng định PBoC sẽ bảo đảm các tiêu chí công nghệ thống nhất, tiêu chuẩn an toàn, giao thức kinh doanh và cơ sở hạ tầng tài chính cần thiết để bảo đảm kết nối giữa các cơ quan khác nhau và ngăn chặn các rào cản thanh toán.

Trong bối cảnh thị trường đồn đoán rằng dự án do Chính phủ lãnh đạo có thể đe dọa sự thống trị hiện tại của tư nhân chạy các công cụ thanh toán di động, quan chức này cho biết họ nên chung tay làm phong phú các ứng dụng. “WeChat Pay và Alipay chỉ là ví điện tử, trong khi DCEP là tiền bên trong chúng”, ông nói. “Chúng ta không phải là đối thủ cạnh tranh mà sẽ là đối tác của nhau”.

Đạt Quốc