Trung Quốc với chương trình không gian tham vọng

- Thứ Năm, 17/06/2021, 07:15 - Chia sẻ
Sáng nay, 17.6, giờ địa phương, Trung Quốc sẽ phóng tàu Thần Châu-12 lên trạm vụ trũ đầu tiên của nước này. 3 phi hành gia sẽ được đưa lên đây và ở lại trong khoảng 3 tháng. Lần phóng này bắt đầu sứ mệnh không gian có phi hành đoàn đầu tiên, đánh dấu một chương trình không gian ngày càng tham vọng của đất nước Gấu trúc.

Ba phi hành gia Trung Quốc sẽ thực hiện sứ mệnh mới là Nhiếp Hải Thắng (56 tuổi), Lưu Bá Minh (54 tuổi) và Thang Hồng Ba (45 tuổi), trong đó nhà du hành Nhiếp Hải Thắng là trưởng nhóm. Sau khi ở trong quỹ đạo khoảng 3 tháng, các phi hành gia sẽ trở lại bãi đáp Đông Phong trên khoang tái nhập.

	3 phi hành gia sẽ tham gia làm việc trên trạm vũ trụ Thiên Hà của Trung Quốc lần này Nguồn: AP
3 phi hành gia sẽ tham gia làm việc trên trạm vũ trụ Thiên Hà của Trung Quốc lần này
Nguồn: AP

Theo AP, trả lời phỏng vấn báo chí một ngày trước chuyến đi, cả ba thành viên của phi hành đoàn cho biết, họ rất háo hức được bắt tay vào làm việc để ngôi nhà của họ trên Thiên Hà có thể ở được trong ba tháng tới, thiết lập các thử nghiệm và thí nghiệm, đồng thời chuẩn bị cho một loạt chuyến đi bộ ngoài không gian.

Các phi hành gia sẽ đi trên tàu vũ trụ Thần Châu-12 được phóng bằng tên lửa Trường Chinh-2F Y12 được thiết lập để cất cánh lúc 9 giờ 22 sáng 17.6 (1 giờ 22 GMT) từ trung tâm phóng tàu vũ trụ Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc. Trong lần này, phi hành đoàn đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Hà là nam giới, nhưng Trung Quốc dự kiến phụ nữ sẽ là một phần của các phi hành đoàn tương lai. Trong số các phi hành gia đã bay vào không gian của Trung Quốc, có hai người thuộc phái yếu. Nữ phi hành gia đầu tiên là Lưu Dương, bay năm 2012.

Được biết, sau khi hoàn thành, trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ cho phép lưu trú lên đến sáu tháng, tương tự như Trạm Vũ trụ quốc tế. Mỗi phi hành gia sẽ có khu vực sinh sống riêng, một chiếc xe đạp cố định và các thiết bị tập thể dục khác, cho phép họ chống lại một số tác động của tình trạng không trọng lượng. Họ cũng có thể mang theo các vật dụng cá nhân để nhớ về quê nhà và tránh cảm giác buồn chán khi không làm việc. Trạm vũ trụ Thiên Hà của Trung Quốc dự định được sử dụng trong 15 năm.

Lần phóng hôm 17.6 bắt đầu sứ mệnh không gian có phi hành đoàn đầu tiên, thể hiện chương trình không gian ngày càng tham vọng của Trung Quốc. Thực tế, đất nước Gấu trúc đã gửi 11 phi hành gia vào không gian kể từ khi trở thành quốc gia thứ ba năm 2003 đưa được người vào không gian, đã gửi các tàu quỹ đạo và xe tự hành lên mặt Trăng và sao Hỏa.

Bắc Kinh không tham gia Trạm Vũ trụ quốc tế. Mặc dù vậy, các phi hành gia nước ngoài dự kiến sẽ đến thăm trạm vũ trụ của Trung Quốc trong tương lai. Thông tin đó được trợ lý Giám đốc Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc Quý Khởi Minh nói với các phóng viên. Ông Quý cho biết, hiện vấn đề hợp tác giữa Trung Quốc với các nước bao gồm Nga, Italy và Đức cùng Văn phòng Liên Hợp Quốc về các vấn đề ngoài không gian đang được mở rộng. Được biết, trạm vũ trụ và phòng thí nghiệm không gian quốc gia của Trung Quốc sẽ hoàn thành vào năm 2022, sau đó sẽ bước vào giai đoạn ứng dụng và phát triển.

Chuyến bay lên Thiên Hà mới nhất này là nhiệm vụ thứ ba trong số 11 nhiệm vụ được lên kế hoạch cho đến năm sau để thêm các bộ phận bổ sung cho trạm, cũng như gửi các phi hành đoàn và vật tư. Vào tháng 4 vừa qua, phần sinh hoạt chính của trạm Thiên Cung đã được khởi động, trong khi hai mô-đun còn lại sẽ chủ yếu dành cho công tác khoa học.

Nhiệm vụ này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm mà Trung Quốc có được từ việc vận hành hai trạm vũ trụ thử nghiệm trước đó. Nước này cũng đã hạ cánh một tàu thăm dò trên sao Hỏa vào tháng trước, mang theo xe tự hành thám hiểm Zhurong, trước đó cũng hạ cánh thành công một tàu thăm dò và xe tự hành thám hiểm trên mặt Trăng.

Trước đây, vụ phóng trạm vũ trụ của Trung Quốc gây lo ngại vì một phần tên lửa phóng bị mất kiểm soát khi bay về Trái đất. Thông thường, các bộ phận của tên lửa bị loại bỏ sẽ quay trở lại bầu khí quyển ngay sau khi cất cánh, thường ở trên mặt nước và không đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên, tên lửa Trường Chinh giúp phóng tàu vũ trụ Thần Châu đưa 3 phi hành gia lên trạm Thiên Hà lần này thuộc loại khác và các quan chức không gian nước này tin rằng nó sẽ thực hiện nhiệm vụ thành công. 

Theo ông Quý Khởi Minh, sau khi hoàn thành sứ mệnh, tàu chở hàng Thiên Châu-2 sẽ rời quỹ đạo, tái nhập bầu khí quyển và tiêu hủy. Một lượng mảnh vỡ rất nhỏ của tàu sẽ rơi xuống vùng biển Nam Thái Bình Dương. Trong khi đó, khoang động cơ và mô-đun quỹ đạo của tàu Thần Châu-12 cũng sẽ bị cháy rụi khi quay trở lại bầu khí quyển và không gây nguy hại cho mặt đất.

Ngọc Minh