Trung tâm của quyết sách!

- Thứ Hai, 11/10/2021, 05:21 - Chia sẻ
Trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, đáp ứng lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy, khi thăm làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.

Thực tế, quan điểm mọi chính sách pháp luật đều xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp và người dân, đã được Chủ tịch Quốc hội nhắc tới nhiều lần, đặc biệt trong những buổi làm việc với các bộ, ngành về sửa đổi các dự án luật. Còn nhớ, tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013 cách đây chưa lâu, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, do tác động của dự án luật rất lớn, nên "lắng nghe càng nhiều càng tốt, nhiều người nói, từ nhiều phía, khiêm tốn, cầu thị, gạn đục khơi trong, để tạo ra sự thay đổi căn bản trong thực hiện".

Rõ ràng, để thực hiện được mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm gốc trong mọi quyết sách, coi trọng việc đánh giá tác động một cách công khai, khách quan là yêu cầu tất yếu đặt ra. Không chỉ ở cấp độ luật, tham vấn ý kiến vào các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hay thậm chí ở khâu lập quy hoạch, kế hoạch, để tránh tình trạng cài cắm lợi ích cũng là mong mỏi của người dân và doanh nghiệp. 

Chủ động hơn trong lấy ý kiến người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm tính khả thi cho quy hoạch, giải quyết vấn đề “quy hoạch treo” đang khiến Nhân dân bức xúc, là một trong những kiến nghị quan trọng tại Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức. Bởi, có một thực tế là mặc dù Luật Đất đai hiện hành đã bổ sung quy định về việc lấy ý kiến người dân phải được thực hiện ở tất cả các cấp quy hoạch, từ cấp quốc gia, cấp tỉnh đến cấp huyện, song, Luật chỉ dừng lại ở việc quy định lấy ý kiến trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; còn trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch ra sao, tiến độ, mức độ thực hiện như thế nào… vẫn còn bỏ ngỏ.

Tham vấn ý kiến rất cần thiết, nhưng làm sao để tránh hình thức, cũng là câu hỏi được đặt ra. Đơn cử như đối với khâu tham vấn ý kiến doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp về việc ban hành các văn bản pháp luật có liên quan, mặc dù đã được chú trọng nhưng ở đâu đó, vẫn chưa hiệu quả. Một số văn bản chỉ đưa toàn văn, không có tóm tắt, so sánh, đối chiếu với các văn bản khác, gây khó cho doanh nghiệp khi đóng góp ý kiến. Chưa kể, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp còn thụ động trong góp ý; cơ quan soạn thảo còn đại khái, sơ lược trong tiếp thu ý kiến, thậm chí không có hồi đáp rằng tiếp thu hay không tiếp thu, lý do là gì. Hiện tượng này làm giảm bớt sự tích cực của doanh nghiệp khi góp ý các văn bản pháp luật.

Điều đó đòi hỏi, cùng với việc minh bạch trong quá trình làm luật và tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan lấy ý kiến; cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn đối với việc tiếp thu ý kiến từ các bên liên quan; gắn trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, tổ chức hữu quan cùng với các đạo luật, điều luật sau khi được ban hành. Suy cho cùng, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; dành sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực cho công tác này đúng tầm là một khâu đột phá chiến lược, thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo, phát triển. 

Đỗ Quyên