Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

Trung ương nên quy định cứng một số tiêu chí để áp dụng toàn quốc

- Thứ Ba, 27/07/2021, 19:36 - Chia sẻ
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua, chương trình đã đạt được những thành tựu, kết quả to lớn, toàn diện và mang dấu ấn lịch sử. Song, theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương nên quy định cứng về một số tiêu chí, đồng thời giao cho cấp tỉnh quy định phù hợp với đặc thù của từng địa phương, khu vực. Cụ thể:

Thứ nhất, báo cáo chưa có phần dự báo về kinh tế - xã hội chung của quốc gia, sự hội nhập quốc tế, sự biến đổi về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, văn hóa làng xã, tốc độ đô thị hóa, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Khả năng huy động vốn của các địa phương, đặc biệt là huy động sức dân chủ thể để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong khi giai đoạn tới cần làm thực chất hơn, tiêu chí cao hơn so với giai đoạn trước.

Thứ hai, về mục tiêu của chương trình, đề nghị xem xét 2 chỉ tiêu với mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí, đề nghị chia thành 2 loại đối với khu vực đồng bằng, bãi ngang ven biển thì phấn đấu không còn xã đạt dưới 16 tiêu chí. Còn đối với khu vực các xã đặc biệt khó khăn, khu vực miền núi biên giới không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí là phù hợp. Lý do hiện nay nhiều xã ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ phấn đấu đạt 15 tiêu chí là rất khó, đặc biệt là tiêu chí về giao thông, thủy lợi, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở dân cư, thu nhập và tổ chức sản xuất. Như Quảng Trị hiện có nhiều xã đặc biệt khó khăn biên giới hiện đang đạt 8 đến 10 tiêu chí và khả năng trong vòng 4 năm tới cũng sẽ chỉ nâng lên được mỗi năm một tiêu chí nếu không có thiên tai, dịch bệnh và bão lụt như những năm vừa rồi.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại hội trường sáng nay về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, cần xem xét đối với mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định. Tôi đề nghị chỉ nên đưa ra mục tiêu khoảng 40% cho khu vực này để tiếp tục phát triển bền vững, từng bước nhân rộng và phát triển ở cả giai đoạn tiếp theo. Hạn chế chạy theo phong trào. Đồng thời, bộ tiêu chí Trung ương nên quy định cứng về một số tiêu chí như thu nhập hộ nghèo, nước sạch, tổ chức sản xuất, giao thông, trường học để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc. Còn một số tiêu chí khác giao cho cấp tỉnh quy định phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Thứ tư, về cơ cấu nguồn vốn ngân sách thực hiện giai đoạn 2021-2025. Về cơ cấu nguồn vốn, dự kiến vốn đầu tư phát triển khoảng 30.000 tỷ, vốn sự nghiệp khoảng 9.632 tỷ. Tôi đề nghị tăng tỷ lệ vốn sự nghiệp cho chương trình. Vì trong giai đoạn vừa qua chương trình đã tập trung nhiều cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Giai đoạn tới các địa phương có thể phát huy nội lực, huy động sức dân đấu giá đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới khó khăn nhất hiện nay vẫn là nâng cao thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, liên doanh, liên kết, phát triển hợp tác xã, thực hiện chương trình OCOP, nước sạch, đào tạo nghề, duy tu, bảo dưỡng công trình, thiết chế văn hóa giáo dục... Ngoài ra đề nghị Chính phủ giao vốn sự nghiệp trung hạn 5 năm thay vì giao từng năm cho các địa phương. Lý do là nhiều công trình, hạng mục sự nghiệp cần đầu tư trong nhiều năm như công trình nước sạch tập trung, công trình xử lý ô nhiễm môi trường, liên doanh, liên kết chương trình OCOP cần hỗ trợ cho người dân hợp tác xã, doanh nghiệp trong 2-3 năm. Từ nguyên nhân này, trong những năm qua, nhiều địa phương triển khai thực sự chưa hiệu quả, đã không kịp giải ngân vốn phải hoàn trả lại cho Trung ương.

Thứ năm, về mục tiêu và nhiệm vụ được bố trí vốn ngân sách thực hiện về xã nông thôn mới. Báo cáo đề xuất hỗ trợ cho khoảng 2.512 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng những tiêu chí vẫn còn thấp. Tuy nhiên, hiện nay cả nước có 5.343 xã đã đạt chuẩn, trong đó có 492 xã nâng cao, 52 xã kiểu mẫu. Như vậy còn 4.799 xã đã đạt chuẩn nhưng trong dự thảo chỉ hỗ trợ cho khoảng 2.512 xã đã đạt chuẩn để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn, còn 2.287 xã đã đạt chuẩn sẽ không được hỗ trợ để nâng cao chất lượng tiêu chí. Như vậy, các tỉnh phải cân đối ngân sách để duy trì các tiêu chí này là thực sự khó khăn.

Về huyện nông thôn mới, dự kiến hỗ trợ một phần vốn cho khoảng 150 huyện khó khăn, phấn đấu để hoàn thành mục tiêu, cả nước có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới.

Chí Tuấn