Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nguồn gốc từ nông, lâm trường

Trước tiên phải chuẩn hóa số liệu

- Thứ Tư, 01/12/2021, 06:33 - Chia sẻ
Tại hội thảo "Nghịch lý thiếu - thừa: Giải pháp nào cho quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh", do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức sáng 30.11, chuyên gia chỉ ra rằng: Để giải bài toán này, trước tiên thông tin đầu vào phải chuẩn, bao gồm dữ liệu rừng thuộc quản lý của các công ty nông, lâm nghiệp. Trong khi đó, hiện dữ liệu này vẫn chủ yếu do các công ty đưa lên.
Cần huy động sự tham gia của các bên trong việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường.. Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường
Cần huy động sự tham gia của các bên trong việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường..
Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường

Chưa phát huy hiệu quả

Theo đại diện Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, đến nay đã có 166/256 công ty hoàn thành việc sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Sau sắp xếp, các công ty này tiếp tục quản lý, sử dụng hơn 1,7 triệu hecta đất. Về quản lý rừng, hiện 150 công ty nông, lâm nghiệp quản lý gần 1,42 triệu hecta rừng.

Việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, như: Có chuyển biến phương thức quản trị doanh nghiệp; tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Bên cạnh đó, thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực; tình hình tài chính lành mạnh, giải quyết được nợ khó đòi, tăng vốn chủ sở hữu.

Tuy vậy, thực tế đang bộc lộ nhiều bất cập, như kết quả sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn thấp, với 90 công ty chưa hoàn thành. Mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và cổ phần hóa mới hoàn thành 50%. Đa số công ty cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối hoạt động chưa hiệu quả. Một số công ty chưa xử lý được tồn tại về tài chính…

Đặc biệt, theo Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội Triệu Văn Bình, nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả. Theo đó, tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân bởi hồ sơ quản lý đất đai trước đây lập quá sơ sài.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai của các nông, lâm trường còn hạn chế, do quy mô quá lớn trong khi nguồn lực quản lý quá mỏng và công cụ để quản lý còn thô sơ. Lịch sử hình thành các nông, lâm trường trải qua nhiều giai đoạn với nhiều chính sách khác nhau, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp. Nhiều hộ dân nhận khoán đất của nông, lâm trường hoặc địa phương đã tự ý chuyển nhượng qua nhiều lần. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên.

Đáng chú ý, theo ông Bình, hiện chưa có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích do nông, lâm trường bàn giao cho các địa phương. Một số diện tích là rừng phòng hộ nằm đan xen hoặc trên đỉnh núi là rừng phòng hộ, chân núi là rừng sản xuất nên không bóc tách chi tiết được để bàn giao, tạo sự không rõ ràng về trách nhiệm quản lý giữa địa phương và nông, lâm trường…

Muốn quản lý tốt phải có dữ liệu chính xác

Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, trước tiên, cần rà soát các quy định pháp luật về đất đai, lâm nghiệp cũng như chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc ít người để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng.

Muốn quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh thì thông tin số liệu phải chính xác, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) Trương Quốc Cần nhấn mạnh. Tuy vậy, việc thống kê dữ liệu rừng quản lý trong các công ty nông, lâm nghiệp hiện chủ yếu do các công ty này đưa lên và rất ít có sự tham gia của các bên khác. “Không có công ty nào muốn trả ra khu đất tốt!”. Vì thế, cần rà soát hệ thống dữ liệu này, huy động sự tham gia của các bên để có dữ liệu chuẩn. Khi bàn giao đất cho địa phương cần có sự tham gia của cộng đồng.

Ông Phạm Văn Hạnh, Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, bổ sung: Cần hoàn thành việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phê duyệt phương án sử dụng đất; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả, đúng pháp luật diện tích đất mà các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương. Đồng thời, rà soát phương án sử dụng đất; duy trì cơ chế khoán, bàn giao đất về địa phương theo phương án được phê duyệt. Mặt khác, nâng cao vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Sau khi sắp xếp, các công ty này phải có phương án đổi mới quản lý sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. “Đến năm 2025, 100% công ty nông, lâm nghiệp được xử lý dứt điểm tồn tại về tài chính đất, kinh doanh có lãi, đạt tiêu chí phổ biến về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế”, ông Hạnh thông tin.

Đan Thanh