Trường học tri thức song hành trường học văn hóa

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 05:07 - Chia sẻ
Có thể nhận thấy các mối quan hệ chính là cơ sở để hình thành văn hóa học đường trong mỗi nhà trường. Vì vậy, cần nhận diện, đưa ra giải pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử trong nhà trường, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, chuẩn mực, không chỉ là trường học tri thức mà còn phải là trường học văn hóa.

PGS. TS. Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa: Tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa trong nhà trường

Trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, việc xây dựng văn hóa học đường sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp để xây dựng môi trường trường học an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và yêu cầu của xã hội.

Ở nước ta hiện nay, với chủ trương cải cách giáo dục theo hướng lấy người học làm trung tâm, văn hóa học đường được thể hiện theo cấu trúc: (1) Tập hợp những mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể hoặc cá nhân với thiết chế xã hội; (2) Không gian văn hóa học đường là môi trường diễn ra quá trình tương tác giữa người thầy với học trò hoặc giữa những người học trò với nhau ở một cơ sở đào tạo nào đó nhằm thực hiện quá trình truyền thụ và tiếp thu kiến thức khoa học...

Xây dựng văn hóa học đường là yếu tố then chốt để phát triển các nhà trường... Để làm tốt điều này, các nhà trường phải hoàn thiện quy định, quy chế ở mức tốt nhất, phù hợp thực tiễn phát triển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên và gia đình học sinh, sinh viên về sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa học đường trong giai đoạn hiện nay; nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng giáo dục khác; phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, lành mạnh, thân thiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, hướng tới một môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, tích cực và hướng tới sự phát triển bền vững.

 

Thầy - trò là mối quan hệ cơ bản nhất trong văn hoá học đường

Nguồn: tuoitrethudo.com.vn

PGS.TS. Trần Lê Bảo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Quan hệ thầy - trò, điểm nút của thông tin tương tác

Chúng ta cần xem xét những mối quan hệ từ bên trong nhà trường. Đó là vấn đề quản lý nhà trường một cách văn hóa, khoa học và toàn diện. Đó là việc vận hành một cách sáng tạo và hài hòa nhất các mối quan hệ để tạo nên các giá trị mới của văn hóa học đường. Đó là các mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt là quan hệ thầy - trò mới; quan hệ về tư tưởng tinh thần, lộ trình cá nhân và những giá trị chung, quan hệ mới với tri thức; quan hệ về cảnh quan và xây dựng kết cấu hạ tầng mới. Đương nhiên những quan hệ này chủ yếu diễn ra trong nhà trường, do lãnh đạo nhà trường quản lý chỉ đạo. Nhưng nhiều lúc nhiều nơi không thể tách biệt với xã hội, với sự quản lý của Nhà nước, thông qua hệ thống giáo dục quốc gia và tác động của mối quan hệ gia đình - học đường - xã hội.

Trong các mối quan hệ giữa người với người trong văn hóa học đường, thì mối quan hệ thầy - trò là cơ bản nhất. Đó là hai chủ thể chính của nhà trường, làm nên văn hóa học đường. Còn các quan hệ quản lý từ lãnh đạo nhà trường, nhân viên các phòng ban đều thực hiện điều hành, phục vụ tốt cho hai chủ thể chính là thầy và trò trong việc giáo dục và đào tạo...

Dù có đưa các công nghệ mới vào quá trình học tập, thì cơ bản giáo dục vẫn là mối quan hệ tương tác giữa người với người qua quan hệ thầy - trò, giữa cách nhìn của họ về thế giới, giữa năng lực và toàn bộ giá trị mà họ gắn bó. Công nghệ mới chỉ có thể mở rộng hơn làm đa dạng hơn mối quan hệ này. Cho dù máy vi tính có hoàn hảo, cũng không thể thay thế được người thầy bên học trò. Thay đổi bộ mặt của trường học và đa dạng hóa chức năng của nó, không thể bỏ qua vai trò quan trọng của người thầy giáo - nhân vật trung tâm của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế Hoàng Nữ Hảo Tâm: Phối hợp hành động gia đình - nhà trường - xã hội

Văn hóa học đường bị tác động bởi nhiều yếu tố, đó là từ các mối quan hệ bên ngoài và các yếu tố thực tại từ trong môi trường của học đường diễn ra hàng ngày. Thực tế cho thấy, các mối quan hệ từ bên ngoài ảnh hưởng đến giá trị văn hóa học đường có tác động mạnh mẽ và sâu sắc nhất là gia đình và xã hội.

Về khía cạnh xã hội, nhà trường và công việc giáo dục - đào tạo luôn chịu sự tác động của môi trường xã hội. Xã hội những năm gần đây với sự phát triển mạnh của cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập và công nghệ thông tin đã tác động lớn đến môi trường văn hóa học đường.

Bên cạnh tác động từ môi trường xã hội, văn hóa học đường cũng đang bị ảnh hưởng lớn từ cách giáo dục của mỗi gia đình. Gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Gia đình không ổn định, không bền vững thì dù có cố gắng đến đâu cũng không bù đắp được sự thiếu hụt từ giáo dục gia đình...

Như vậy có thể thấy, bên cạnh những tác động tích cực từ các mối quan hệ bên ngoài mang lại thì những hệ lụy do mặt trái của nó gây ra cũng đang là vấn đề nhức nhối cho toàn xã hội. Tình trạng đó dẫn đến sự xuống cấp của văn hóa học đường, đòi hỏi phải có sự quan tâm, phối hợp hành động của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là vấn đề cần sự vào cuộc của nhiều tổ chức, đoàn thể, cao hơn nữa là những căn cứ pháp lý để tạo nên môi trường tốt hơn trong trường học.

Ngọc Phương