Trường xưa, thầy cũ - những ký ức không bao giờ quên

- Chủ Nhật, 15/11/2020, 06:24 - Chia sẻ
Sáng qua, trong bộn bề công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng và nhiều công việc quan trọng khác, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã giành thời gian tham dự một hoạt động rất ý nghĩa: Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều - một trong những ngôi trường có bề dày lịch sử, với phong trào và nền nếp dạy tốt, học tốt, một điểm sáng của ngành giáo dục Thủ đô.

Riêng đối với cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, đây là ngôi trường thân yêu, mang đầy dấu ấn và để lại biết bao kỷ niệm không bao giờ quên - một học sinh cũ có 6 năm liên tục, từ năm 1957 đến 1963, được học tập, giáo dục, dạy dỗ đầy tâm huyết của nhà trường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh nhà trường vui mừng nhớ lại kỷ niệm cùng Nhà giáo Lê Đức Giảng, nguyên Bí thư Chi bộ, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, 10B - Trường THPT Nguyễn Gia Thiều
Ảnh: Trí Dũng

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Vậy nên, bồi hồi, xúc động là cảm xúc đong đầy khi trở lại trường xưa, gặp lại thầy cô, bạn bè cũ, cùng các thế hệ thầy và trò nhà trường hôm nay. Những mái đầu bạc bên những mái đầu xanh. Câu chuyện về những năm tháng đầy gian khó nhưng vô cùng ấm áp, thân thương như dòng ký ức dâng trào được Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta nhắc nhớ: "Ngày xưa, thời chúng tôi học thì trường lớp chật chội, nhà tranh, mái lá, sân đất; các phương tiện, phòng thí nghiệm, thư viện... rất đơn sơ, thiếu thốn. Anh chị em học sinh phần lớn là ở xa, phương tiện đi lại rất khó khăn, hầu hết là tự đi bộ từ nhà đến trường hàng chục cây số. Nhiều người, trong đó có tôi, phải đi ở nhờ, ở trọ, lại còn phải vừa học vừa đi làm thêm để kiếm sống...".

Chân thực và xúc động hơn cả, đó là giây phút Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước gặp lại thầy giáo cũ Lê Đức Giảng: “Tôi còn nhớ thầy Giảng của chúng tôi, hôm nay đang ngồi đây, thầy là Bí thư Chi bộ nhà trường, Chủ nhiệm lớp 9B - 10B của chúng tôi. Thầy là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết, chỉ có một mình, ở trong căn nhà con con… Không biết có phải nhớ nhà hay không mà thầy thường bảo tôi đến ở cùng. Thầy ngồi ở bàn làm việc chấm bài, còn cho tôi một chiếc bàn con con để học. Tối đến, thầy bảo tôi ngủ lại với thầy. Hai thầy trò ngủ chung một giường. Lắm đêm trời mưa rét, quần áo cũng không có nhiều như bây giờ, đắp một chiếc chăn mỏng, hai thầy trò lục đục không ngủ được cho đến sáng... Lúc bấy giờ hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, phòng thí nghiệm đơn sơ, toàn bộ sân này là nền đất, đằng sau kia là ao, dãy nhà lợp lá, cả cấp II, cấp III chỉ có dãy nhà này, bây giờ đã rất khang trang, hiện đại. Năm 2014 - 2015, tôi về đây cũng thấy thay đổi rồi, nhưng hôm nay về lại càng thấy thay đổi, rất vui mừng”. 

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta cũng nhớ về những người bạn thân thiết mà ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc sau khi tốt nghiệp đã hăng hái xung phong, hoặc theo sự phân công, gia nhập hàng ngũ quân đội, vào Nam chiến đấu, hay tham gia thanh niên xung phong đi xây dựng các nông trường, lâm trường, làm đường giao thông... Có nhiều người đã anh dũng hy sinh, trở thành liệt sỹ. Một trong số đó là: “Đồng chí Doãn Duy Lực, bạn thân của tôi, đi vào Nam chiến đấu. Trước khi hy sinh, anh Lực có gửi cuốn nhật ký nhờ chuyển ra Bắc cho tôi để tôi tìm cách chuyển cho gia đình, sau đó gia đình mang gửi lại cho nhà trường. Và hiện nay, cuốn nhật ký của đồng chí Doãn Duy Lực đang trưng bày trong phòng truyền thống của chúng ta...”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước xúc động, “lúc đó, tình thầy trò, tình bạn bè của chúng tôi là như vậy!”.

Cứ thế, như cuốn phim quay chậm, bỏ qua những nghi thức lễ tân của một sự kiện có lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước tham dự, qua lời kể mộc mạc, chân thành, từng dòng ký ức về cậu học trò nhỏ năm nào mới 12 tuổi, những sớm tinh sương, bất kể mưa nắng, gió rét…, ngày ngày từ nhà (Bắc Ninh, nay là Đông Anh, Hà Nội), vượt sông Đuống để sang Trường Nguyễn Gia Thiều học lớp 5 (hồi đó bên Bắc Ninh chưa có trường) được kể lại. Tiếp đến là những kỷ niệm không bao giờ quên với những người bạn cùng lớp, cùng trường một thời khó khăn: "- Chúng tôi lúc bấy giờ còn phải cùng với gia đình đi lao động kiếm sống. Một số anh em buổi tối phải đi dạy bổ túc văn hóa, đi lao động, có những anh bạn buổi tối ra bãi chiếu bóng Gia Lâm, đứng ở cổng xé vé vào cửa mỗi tối được 3 hào, đời sống khó khăn lắm. Học thì buổi sáng một lớp, buổi chiều một lớp, trường lớp rất chật chội. Tôi và anh Ngô Bá Dục, một tuần 2 buổi tối, sau khi học buổi chiều xong không kịp ăn cơm, phải đi bộ suốt từ đây vào Thanh Am (kho xăng Đức Giang) để dạy bổ túc văn hóa, lúc bấy giờ gọi là dạy bình dân học vụ, nhưng cũng có thù lao, mỗi giờ được 6 hào, một buổi tối dạy 2 giờ cũng có một đồng 2. Lúc bấy giờ lương cán bộ, công nhân nhà nước chỉ có một đồng 3, 5 xu. Chúng tôi lấy tiền ấy để sinh hoạt, học tập và phải ở trọ, tự nấu nướng lấy ăn... Nói như thế để thấy rằng, so với ngày xưa thì bây giờ chúng ta có điều kiện học tập tốt hơn nhiều”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước thân tình.

“Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa…”

Một kỷ niệm cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhắc nhớ, đó là: “Năm 1962, nhà trường có tổ chức cuộc thi bích báo giữa các lớp - khối 10. Lớp 10B của chúng tôi được giải thưởng. Tôi nhớ có viết bài thơ nhan đề "Năm cuối cùng của đời học phổ thông" với cảm xúc rất ngây thơ nhưng rất chân thành. Trong đó có câu: Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu/ Tôi học 10B - Nguyễn Gia Thiều/ Nay đã trở nên "người anh cả"/ Cuộc đời vui bay bổng cánh diều... (gọi “người anh cả” vì lớp 10 là lớp cuối cùng của cấp III lúc bấy giờ)”. Bài thơ kết thúc với câu hỏi lớn của tác giả, cũng là băn khoăn, trăn trở của một lớp thanh niên chuẩn bị rời ghế nhà trường, với ước mơ, hoài bão được cống hiến cho đất nước, quê hương: “Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa/ Năm cuối cùng của thời học phổ thông/ Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ/ Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng?!”

Đã gần 60 năm trôi qua kể từ ngày Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước theo học và ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa Việt Nam - Nguyễn Gia Thiều - vừa tròn 70 tuổi. Nhưng những kỷ niệm, ấn tượng sâu đậm của 6 năm liên tục học tập dưới mái trường Nguyễn Gia Thiều, luôn còn mãi. “Tôi vẫn nhớ tên các thầy hiệu trưởng thời đó, như thầy Nguyễn Quang Ân, thầy Lương Thanh Tường, thầy Hoàng Hùng, thầy Đoàn Thanh… rồi thầy Quế, thầy Quý dạy Văn; thầy Oánh, cô Diễn dạy Toán, thầy Giản dạy Lý, thầy Huỳnh dạy Hóa, thầy Bửu dạy Nga văn; thầy Đoàn Cầu dạy Trung văn; thầy Kháng dạy Chính trị; thầy Khánh dạy Sinh vật… Đặc biệt, thầy Lê Đức Giảng của chúng tôi dạy Lịch sử và trực tiếp 2 năm liền là giáo viên Chủ nhiệm của lớp 9B, 10B với biết bao kỷ niệm… Từ đáy lòng mình, tôi xin chân thành cảm ơn và không bao giờ quên công lao dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện của nhà trường, của các thầy, cô giáo và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cán bộ, nhân viên nhà trường, sự đùm bọc, phối hợp, cộng tác của các bạn học sinh cùng thời với chúng tôi”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước trân trọng.

Thăm trường xưa, ôn lại những ký ức tươi đẹp của một thời thanh thiếu niên sôi nổi, khó khăn, mà tràn đầy lý tưởng cách mạng là một trong nhiều câu chuyện đời thường mà hôm qua chúng tôi cùng các thế hệ thầy và trò Trường Nguyễn Gia Thiều được trực tiếp nghe từ Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta. Có thể ký ức và kỷ niệm là của cá nhân, nhưng điều còn mãi đó là giá trị truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc, sự nỗ lực vượt qua mọi điều kiện khó khăn của đất nước, để học tập, rèn luyện vươn lên trở thành cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, những nhà khoa học, quản lý, giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư… đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng…

Qua những câu chuyện kể dưới mái trường Nguyễn Gia Thiều, chúng tôi chợt nhớ tới những câu chuyện đời thường khác về Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta. Đó là khi Trường Nguyễn Gia Thiều tổ chức mừng thọ thầy hiệu trưởng cũ, ông - khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, vẫn đi xe máy đến trường với tình cảm chân thành của một học trò cũ đối với nhà trường, với thầy cô. Và sau này, khi đã ở cương vị Tổng Bí thư của Ðảng, nhưng khi đến với thầy giáo, bạn bè cũ, ông khiêm nhường: "Xin cho em, cho tôi được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học cùng lớp của các bạn!".

Tuy diễn ra ở những thời gian khác nhau, trong bối cảnh, điều kiện khác nhau, nhưng qua những câu chuyện giản dị như vậy, cho chúng ta thấy rõ hơn, bên cạnh nhân cách của một cán bộ lãnh đạo trí tuệ, mẫn cán, liêm trung, mẫu mực, trước sau như một, luôn có trách nhiệm với Ðảng, với Dân, với Đất nước, tâm huyết với công việc, là một con người luôn hết lòng vì bạn bè, đồng nghiệp, sống giản dị, khiêm nhường.

Nhân cách ấy, con người ấy là tấm gương để không chỉ thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Ghi chép của Thanh Tâm