“Truyện Kiều” và sự hòa hợp văn hóa

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 08:12 - Chia sẻ
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du ra đời vào khoảng thế kỷ XIX. Sau 2 thế kỷ, tác phẩm đã được chọn làm đối tượng chuyển thể, cải biên dưới nhiều loại hình, từ truyền thống đến hiện đại, như chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, kịch hát, phim truyện điện ảnh, gần đây nhất là opera, nhạc kịch, kịch hình thể, múa rối, múa đương đại và ballet. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, dù được thể thiện ở hình thức nào, công chúng vẫn nhận ra “Truyện Kiều” của Nguyễn Du nhờ sự hòa hợp, thích ứng và tiếp nối văn hóa.

Khẳng định tinh thần quốc gia

Tại hội thảo “Nguyễn Du - ‘Truyện Kiều’ qua văn bản và các liên văn bản văn chương nghệ thuật” sáng 26.11, TS. Nguyễn Nam, Đại học Fulbright Việt Nam, dẫn giải, ông từng biết đến cải biên điện ảnh đầu tiên thời thuộc Pháp qua trường hợp phim “Kim Vân Kiều”. Phim do hãng Indo-Chine Film sản xuất năm 1924 mà nay dường như chẳng nơi nào còn lưu giữ được. Vì thế, năm 1999, khi tìm thấy hai bài viết về phim đăng trên báo Hữu Thanh và Đông Pháp thời báo, ông đã vội viết bài “Lần đầu ‘Truyện Kiều’ được chuyển thể thành phim” nhằm góp chút tư liệu, giúp phần nào hình dung được tác phẩm điện ảnh này.

Theo TS. Nguyễn Nam, bỏ qua những thất bại với việc sử dụng bản dịch Pháp văn cùng nhiều yếu tố khác, bộ phim vẫn khẳng định tinh thần quốc gia và giá trị văn hóa dân tộc. “Kim Vân Kiều" không dừng lại trong phạm vi công chúng đô thị mà còn đi xa, đến những vùng ngoại ô và trở thành một phần ký ức văn hóa của nhiều người. Trong “Nhớ và ghi về Hà Nội” (NXB Trẻ, 2004), Nguyễn Công Hoan đã nhắc đến bộ phim này nhiều lần như sự lặp lại của những hồi tưởng đẹp.

Ở “Chuyện cũ Hà Nội” (NXB Trẻ, 2004), Tô Hoài cũng có những đoạn viết vừa hay vừa đẹp về việc trình chiếu phim “Kim Vân Kiều” ở làng quê và sự tiếp nhận của người dân thôn quê đối với tác phẩm cải biên này: “Buổi tối, ở sân đình làng Thọ, đi xem phim ‘Kim Vân Kiều’ không mất tiền. Người các làng đến đứng đông như nêm. Tôi phải trèo lên trên cái vè rễ cây đại thụ mới nghển cổ nhìn được. Cứ chốc chốc, xung quanh hét ầm ầm. ‘Kìa kìa, trong ảnh có tha ma làng Cả’, ‘Ô này cổng Xanh làng Thọ’, ‘Chùa Láng nữa kia, chùa Láng’…”.

Tuy đã thất truyền và tư liệu liên quan đến phim “Kim Vân Kiều” sót lại đến nay không nhiều, song những gì nay còn có được đòi hỏi những người nghiên cứu văn chương, điện ảnh, nghệ thuật không được giới hạn việc tìm hiểu tác phẩm này trong phạm vi hạn hẹp, mà phải lưu ý đến bối cảnh khu vực và thế giới tạo nên hoàn cảnh ra đời của nó.

Cảnh trong vở "Nàng Kiều" của Nhà hát Tuổi trẻ  

Thay đổi phương thức tiếp nhận

Các nhà nghiên cứu nhìn nhận, chuyển thể “Truyện Kiều” từ một tác phẩm thi ca thành kịch bản điện ảnh hay các hình thức nghệ thuật sân khấu như chèo, tuồng, cải lương, kịch, opera, nhạc kịch, múa rối, ballet… xét trên mọi góc độ đều không ngừng nhận được sự quan tâm của cả nghệ sĩ lẫn công chúng thưởng lãm. Tuy nhiên, quá trình này cần phù hợp, đối chiếu và bám sát giá trị trường cửu của tác phẩm.

TS. Lê Thị Dương, Viện Văn học, đi sâu phân tích vấn đề chuyển thể văn hóa qua trường hợp vở ballet Kiều. Theo bà, về thời gian, tuổi của ballet Kiều cách bản gốc "Truyện Kiều" hơn 250 năm. Với ballet Kiều, không gian của sự kể hoàn toàn gói gọn trên sân khấu. Từ buổi đầu hai chị em Kiều du xuân, trải qua những thăng trầm dữ dội của đời người, cho đến khi Kiều chứng kiến cái chết tức tưởi của Từ Hải, sau đó nàng trầm mình xuống sông Tiền Đường, toàn bộ diễn biến ấy được tái hiện trong hai giờ đồng hồ.

“Rõ ràng, ballet Kiều dựng lên một văn cảnh tiếp nhận hoàn toàn khác biệt, dẫn tới những dịch chuyển đáng kể về mặt tư tưởng, cách thể hiện tương ứng với thời điểm câu chuyện được tái hiện. Đáng nói nhất ở đây là sự chuyển đổi về mặt phương tiện. Bởi thực tế cho thấy, trải nghiệm của việc tương tác với một văn bản giấy hoặc văn bản kể hoàn toàn khác biệt với trải nghiệm khi xem một tác phẩm ở thể trình diễn”, TS. Lê Thị Dương cho biết.

Trên sân khấu trình diễn, thế giới vốn chỉ tồn tại trong tưởng tượng khi đọc văn bản đã trở thành thế giới hiện hữu. Tác giả chuyển thể phải tìm cách thị giác hóa và mang lại cho khán giả một cuộc sống thực trên sân khấu. Tuy vậy, một văn bản với số lượng 3.254 câu thơ như "Truyện Kiều", ôm chứa dung lượng phản ánh đồ sộ không chỉ của xã hội, thời đại mà cả gia đình, cá nhân khi chuyển thể thành bất kỳ thể trình diễn nào khác sẽ buộc phải tiết chế, cắt giảm quy mô, để có một câu chuyện cô đọng, thậm chí trở nên uy lực hơn, hoặc ít nhất là một thay đổi có khả năng truyền được cảm hứng…

Vì vậy, TS. Lê Thị Dương khẳng định, với phiên bản chuyển thể hiện đại ballet Kiều, có thể nói, "Truyện Kiều" đã được đặt vào một chuyến du hành từ cổ xuyên kim, từ Đông sang Tây. Trong đó, các yếu tố bản địa - quá khứ được cấy ghép với tính quốc tế - đương đại. Hiện tượng chuyển thể này cũng viện dẫn đến khái niệm toàn cầu hóa vốn được chú ý những năm gần đây.

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, trên sân khấu đương đại, ballet Kiều hay múa Kiều, kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều… đều là những sản phẩm mang tính thể nghiệm. Tức là các tác giả đang dò đường để tìm kiếm cách diễn giải mới đối với tác phẩm của tiền nhân, vẫn trên cốt lõi của văn bản văn học quá khứ, nhưng đòi hỏi người đọc, người xem phải thay đổi phương thức tiếp nhận.

Hương Sen