Truyền thông xã hội giúp Taliban trở lại như thế nào?

- Thứ Năm, 26/08/2021, 04:18 - Chia sẻ
Taliban đã hoàn toàn chiếm được Afghanistan chỉ trong 2 tuần, kết thúc 20 năm chiến đấu với quân đội phương Tây và quân đội quốc gia Afghanistan. Tất nhiên có nhiều yếu tố, chẳng hạn như một thỏa thuận hòa bình có vấn đề, sự yếu kém của Chính quyền Kabul và nạn tham nhũng tràn lan đã góp phần làm sụp đổ của Kabul. Có một yếu tố ít được chú ý nhưng đóng vai trò quan trọng, đó là Taliban đã áp dụng thành công một chiến lược truyền thông hiện đại nhờ vào các nền tảng trực tuyến. Hệ thống mạng xã hội không chỉ được sử dụng để tuyên truyền mà còn là công cụ gây quỹ có giá trị và tỏ ra vô cùng hiệu quả trong tuyển mộ.
Taliban mở cuộc họp báo quốc tế đầu tiên hôm 17.8 sau khi chiếm được Kabul
Nguồn:The New York Times

Thay đổi tư duy truyền thông

Trước năm 2001, thời điểm chế độ Hồi giáo của Taliban bị lực lượng Mỹ và liên quân lật đổ, Taliban có quan điểm cực đoan đối với truyền thông. Tổ chức này cấm sử dụng internet, phá dỡ các đài truyền hình do nhà nước điều hành, ra lệnh cấm hoàn toàn người dân xem TV và cấm âm nhạc.

Nhưng sau khi bị các lực lượng quốc tế lật đổ, Taliban nhanh chóng thay đổi tư duy về truyền thông và bắt đầu chiến lược mở rộng sự hiện diện trực tuyến của mình. Bắt đầu từ năm 2003, Taliban thúc đẩy “một cuộc nổi dậy mới” trong tuyên truyền với việc ra mắt đài phát thanh mang tên Voice of Sharia (Tiếng nói của Luật Hồi giáo); đồng thời cho ra đời trang web riêng với tên gọi Al Emarah. Bất chấp nhiều nỗ lực ngăn chặn và xóa bỏ trang web này của Mỹ và chính quyền Afghanistan, Al Emarah vẫn là trang web chính thức của Taliban, chủ yếu chứa tin tức và video về chiến trường, các tuyên bố chính thức của Taliban. Sau khi bị lật đổ, Taliban tập trung nỗ lực vào việc hồi sinh các hoạt động trực tuyến, giống như "một tiểu vương quốc ảo".

Chiến lược truyền thông với nhiều ngôn ngữ

Taliban liên tục sản xuất các tạp chí trực tuyến bằng nhiều ngôn ngữ (tiếng Anh, Pashto, Dari, Ảrập…) và điều chỉnh thông điệp theo từng ngôn ngữ để thu hút sự quan tâm và sở thích của khán giả. Chẳng hạn các thông điệp về tôn giáo được đề cập trong các ấn phẩm tiếng Ảrập và tiếng Anh; những lời kêu gọi nhằm đánh vào chủ nghĩa dân tộc được thực hiện bằng tiếng Ba Tư trong khi tiếng Urdu được sử dụng cho những thông tin về chính trị địa phương. Trên bình diện quốc tế, Taliban tự quảng bá mình như là một nhóm Hồi giáo cực đoan “quốc gia dân tộc” tìm kiếm công bằng xã hội và quyền tự quyết trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc. Một chủ đề chung xuyên suốt mà Taliban tập trung tuyên truyền sự hợp pháp hóa của lực lượng này như một sự thay thế chính trị khả thi cho chính quyền Kabul; năng lực quân sự và những chiến thắng chiến lược để tô vẽ Taliban như một quyền lực đáng kể trong khu vực.

Trong khi đó, xây dựng thông điệp để tìm kiếm sự ủng hộ của người dân địa phương là một chiến thuật mà các lực lượng liên minh quốc tế đã thất bại. Taliban ý thức được điều này và đã lên chiến lược tuyên truyền tập trung vào ý thức về bản sắc văn hóa Afghanistan. Chính chiến lược này đã giúp họ nhận được nhiều sự ủng hộ của một số bộ phận dân cư, bao gồm cả những nhân vật có ảnh hưởng ở địa phương như người mullah, các học giả tôn giáo và những người lớn tuổi trong cộng đồng. Trong những tuần qua, các đồng minh này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan cũng như các quan chức Afghanistan đầu hàng Taliban - vốn được họ miêu tả là “những người con của đất nước” chứ không phải kẻ thù.

Sử dụng mạng xã hội để tuyển mộ và gây quỹ

Trớ trêu là chính nguồn tiền viện trợ của Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Afghanistan sau năm 2001 đã mang lại lợi ích to lớn cho nhóm Hồi giáo. Các ước tính gần đây chỉ ra rằng 89% người Afghanistan thường xuyên truy cập internet thông qua điện thoại di động, giúp tăng đáng kể khả năng tiếp cận các tài liệu tuyên truyền và tuyển mộ trực tuyến của Taliban ở trong nước. Trong bối cảnh sự thâm nhập ngày càng tăng của các công nghệ viễn thông, Taliban và những người ủng hộ họ cũng đã sử dụng các ứng dụng như WhatsApp và Telegram kết nối giữa các thành viên, tổ chức hoạt động, phân phối báo cáo và giữ liên lạc với mạng lưới các nhà báo nước ngoài và địa phương. Taliban cũng đã sử dụng WhatsApp để cung cấp các dịch vụ như đường dây nóng về tội phạm ở các khu vực do chúng kiểm soát. Cơ quan đầu não của Taliban, bộ phận chiêu mộ binh sĩ cũng như những nhân vật chịu trách nhiệm “truyền giáo”, “thuyết khách” đã hoạt động tích cực trên các nền tảng xã hội như Facebook và Twitter trong hơn một thập kỷ nay.

Một “Taliban mới” vô cùng hiểu biết về công nghệ này cũng học tập phương thức tuyên truyền và mở rộng mạng lưới của các nhóm thánh chiến bạo lực khác, chẳng hạn như al-Qaeda và IS, thông qua sự hiện diện công khai trên các nền tảng truyền thông xã hội. Những mạng xã hội này cũng là những công cụ gây quỹ có giá trị và rất quan trọng trong tiếp cận đối tượng để chiêu mộ. Hơn nữa, bản chất phi tập trung và không bị phụ thuộc vào bất kỳ cơ sở hạ tầng vật lý cố định nào khiến kẻ thù rất khó để kiểm soát hay xóa bỏ mạng lưới ảo này. Không có trụ sở cụ thể như đài phát thanh hay đài truyền hình để đánh bom, không có tín hiệu để gây nhiễu, không có công chúng để bắt giữ. Người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid từng tuyên bố: “Chúng tôi đang cố gắng tận dụng tối đa các cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ cho nhu cầu của mình”.

Chiến lược định hướng lại dư luận

Chiến lược truyền thông của Taliban đã thành công trong hai thập kỷ qua nhờ khả năng truyền tải thông điệp nhanh hơn kẻ thù của họ. Họ đã cố gắng đăng tải tin tức, định hướng dư luận sớm hơn nhiều so với việc Chính phủ Afghanistan và các lực lượng quốc tế có thể xử lý tin tức thông qua các kênh quan liêu.

Điều này tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong việc định hướng dư luận xung quanh thỏa thuận rút quân của Mỹ. Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, ký kết hồi tháng 2.2020 được coi là chiến thắng của Taliban và là sự khởi đầu cho sự kết thúc của Chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani. Trên thực tế, khi Taliban tiến vào Kabul, sự miễn cưỡng của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan khi chống lại Taliban cũng một phần do tác động của cuộc chiến tâm lý này và kết quả là lực lượng an ninh Afghanistan đã nhanh chóng bị đánh bại.

Sau khi chiếm được Kabul, Taliban đã phát động một chiến dịch quan hệ công chúng nhằm xây dựng một hình tượng mới cho tổ chức, đoạn tuyệt với hình ảnh trong quá khứ, vốn ám ảnh người dân bởi vũ lực tàn bạo và sự đàn áp bạo lực đối với phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Họ truyền đi các thông điệp tích cực và lời hứa hẹn bảo đảm an toàn và an ninh cho tất cả người Afghanistan; cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ; tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Trong khi Taliban vẫn bị cấm trên Facebook và YouTube, họ đã tuyển dụng những người dùng YouTube có ảnh hưởng với hàng nghìn người theo dõi để đưa tin về cuộc sống ở Kabul dưới sự tiếp quản của họ, giúp định hướng lại dư luận về chế độ mới theo hướng tích cực.

Tất nhiên, chính những công nghệ từng giúp Taliban trở lại nắm quyền cũng có thể bị lợi dụng để làm suy yếu chế độ mới. Hiện tại, các nền tảng mạng xã hội là phương tiện chính để chống lại sự cai trị của Taliban, và đối với nhiều dân thường, đây là phương tiện duy nhất để nêu lên tiếng nói và ý kiến ​​của họ. Nếu Taliban quản lý để áp đặt các hạn chế internet rộng rãi và kiểm soát lưu lượng thông tin ra khỏi Afghanistan, thì cánh cửa hy vọng cuối cùng này sẽ đóng lại đối với hàng triệu người dân nước này.

Đạt Quốc Theo The Guardian