Từ dinh dưỡng đến phát triển bao trùm

- Thứ Hai, 19/04/2021, 05:59 - Chia sẻ

Tuần trước, Bộ Y tế đã công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc giai đoạn 2017 - 2020.

Kết quả cuộc điều tra cho thấy hai xu hướng nổi bật. Một mặt, đã có những thay đổi tích cực trong cải thiện dinh dưỡng, thể chất và tầm vóc của người Việt Nam so với kết quả điều tra lần trước, thực hiện cách đây 10 năm. Mặt khác, các chỉ số dinh dưỡng và thể chất của người dân khu vực thành thị có khoảng cách khác biệt khá so lớn với khu vực nông thôn và miền núi.

Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế với những tác động tích cực của nó đã được phản ánh rõ nét vào việc nâng cao mức sống và dinh dưỡng của người dân, nhưng đồng thời thách thức về bảo đảm bình đẳng và phát triển bao trùm tiếp tục vẫn là bài toán lớn. 

Trên một loạt chỉ số chính về dinh dưỡng, thể chất và tầm vóc, những thay đổi về dinh dưỡng của người Việt trong 10 năm qua là rất ấn tượng. Đáng chú ý nhất, về chỉ số chiều cao của thanh niên, đã có sự thay đổi mạnh ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi năm 2020,  đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), nữ năm 2020 đạt 156,2cm (năm 2010: 154,8cm). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Rộng hơn, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc 19,6% - mức <20% - được xếp vào mức TRUNG BÌNH theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

Như vậy, tiếp nối kỳ tích giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em <5 tuổi xuống còn 19,9% vào năm 2008 (tức là Việt Nam đã về đích trước 7 năm so với chỉ tiêu mà Mục tiêu Thiên niên kỷ - MDGs - đặt ra đến năm 2015), thì đến nay Việt Nam đang trên đà đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng toàn cầu (giảm 40% SDD thấp còi trẻ em đến năm 2025).

Nhưng bên cạnh những tiến bộ đạt được, những hệ quả tiêu cực của tiến trình phát triển cũng thể hiện rõ nét từ những con số điều tra.

Đầu tiên, các "căn bệnh" khi "giàu lên" bắt đầu tăng lên rõ nét. Tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Điều này cũng phù hợp với một phát hiện trong báo cáo, xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh đã tăng lên tại các trường học ở thành phố. 

Vấn đề thứ 2 là tiếp tục tồn tại khoảng cách về dinh dưỡng và các chỉ số thể chất giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, miền núi. Kể cả khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi đã giảm xuống ấn tượng, thì kết quả này không đồng đều giữa các vùng miền, trong đó, ở các vùng nông thôn và miền núi tỷ lệ này còn ở mức cao, theo kết quả từ báo cáo. Các chỉ số về tỷ lệ vi chất dinh dưỡng cụ thể, như thiếu kẽm, thiếu vitamin A cũng cho kết quả tương tự. Tỷ lệ thiếu kẽm vẫn còn rất cao đối với trẻ em 6 - 59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc (67,7%) và Tây Nguyên (66,6%) và còn cao hơn nữa ở đối tượng phụ nữ có thai ở miền núi phía Bắc (81,9%) và Tây Nguyên (63,9%). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6 - 59 tháng tuổi trên cả nước giảm xuống còn 9,1% nhưng khu vực miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây Nguyên (11%) vẫn ở mức cao hơn cả nước.  

Những xu hướng và vấn đề cụ thể này từ điều tra cho thấy, các chương trình can thiệp ở tầm mức quốc gia cần có sự ưu tiên nguồn lực để cải thiện chỉ số dinh dưỡng cho khu vực nông thôn, miền núi, đặc biệt là các vùng khó khăn như vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Quốc hội Khóa XIV cũng đã thông qua chương trình quốc gia về phát triển khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Việc đưa các kết quả, chỉ số điều tra như trên vào xem xét trong các chương trình dự án cụ thể là cần thiết để từ đó ưu tiên nguồn lực và các kế hoạch cụ thể cho các vùng thực sự cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước nhất.

Phát triển bao trùm và bình đẳng luôn là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước. Và những mục tiêu đó cần được cụ thể hóa, các kết quả phát triển phải phản ánh trong những kết quả cụ thể đạt được về mức sống, về dinh dưỡng, về thể chất của người dân. 

Cẩm Phô