Từ Hiệp định sơ bộ 6.3 đến Tạm ước 14.9

- Thứ Tư, 15/09/2021, 06:57 - Chia sẻ
75 năm đã qua, việc ký kết Hiệp định Sơ bộ 6.3 và Tạm ước 14.9.1946 để lại cho hôm nay nhiều bài học kinh nghiệm có tính phương pháp luận về nhận định xu thế thời cuộc, về kẻ thù, về đánh giá và lựa chọn khả năng phát triển của cách mạng nước ta, về phương pháp thêm bạn bớt thù, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch...

Bối cảnh căng thẳng

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta cùng lúc phải đối diện với nhiều kẻ thù nguy hiểm. Chính quyền Pháp không từ bỏ âm mưu muốn tái lập quyền cai trị ở Đông Dương, muốn “cướp nước ta một lần nữa”. Quân đội Tưởng Giới Thạch và các lực lượng tay sai hàng ngày hàng giờ khiêu khích, tạo cớ để lật đổ chính quyền cách mạng. Quân đội Anh đồng lõa và giúp thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Liên Xô vẫn giữ thái độ im lặng từ sau khi ký với Pháp Hiệp ước Liên minh trong chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít và tương trợ sau chiến tranh (tháng 12.1944). Nền kinh tế kiệt quệ, tài chính trống rỗng...

Trước tình hình ấy, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích tình hình và xác định kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược, lực lượng của Tưởng và bọn tay sai phản động là kẻ thù nguy hiểm. Đảng đặt ra nhiệm vụ cơ bản nhưng cấp bách: Củng cố chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản và cải thiện đời sống nhân dân.

Các chính sách ngoại giao thời điểm này đều hướng tới tạo thời gian, cơ hội cho việc củng cố chính quyền cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các nước lớn như Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc chia sẻ, ủng hộ chính quyền Việt Nam. Người đã gửi công hàm tới chính phủ các nước này, nêu rõ tình hình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và mong rằng các cường quốc “đưa vấn đề Đông Dương ra trước tổ chức Liên Hợp Quốc” để Việt Nam có thể có một nền độc lập hoàn toàn.

    Ngày 28.2.1946, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc và Pháp ký kết Hiệp ước Hoa - Pháp với các điều khoản nhân nhượng lẫn nhau. Trung Quốc đồng ý cho Pháp vào miền Bắc Việt Nam để thay thế quân Tưởng giải giáp quân Nhật. Việc thay quân sẽ diễn ra từ ngày 1 - 15.3.1946, chậm nhất là 31.3.1946. 

Tránh xung đột trước mắt

Trước bối cảnh vô cùng nhạy cảm và căng thẳng trên, ngày 6.3.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tạm gác khẩu hiệu đòi độc lập, chấp nhận ký kết Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt với nội dung chính: “Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do có Chính phủ của mình, Nghị viện của mình, quân đội của mình... và là một phần tử trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp”.

Trong Phụ khoản kèm theo Hiệp định, hai Chính phủ thỏa thuận: 15.000 quân Pháp được vào miền Bắc thay thế cho 200.000 quân Tưởng để làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Mỗi năm, một phần năm đội quân của Pháp sẽ rút về và rút hết trong thời hạn 5 năm. Về việc hợp nhất ba “kỳ”, Chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận những quyết định của nhân dân trực tiếp phán quyết. Hai bên thực hiện đình chỉ xung đột và giữ nguyên quân đội tại vị trí hiện thời để đàm phán về chế độ tương lai của Đông Dương…

Qua việc ký kết Hiệp định, chúng ta đã giảm thiểu lực lượng quân đội nước ngoài ở Bắc Việt Nam, đuổi quân Tưởng về nước và quét sạch lũ tay sai, tranh thủ được những mâu thuẫn trong nội bộ kẻ địch, kéo dài được một khoảng thời gian hòa bình để tiếp tục chuẩn bị kháng chiến.

Như vậy, trong hoàn cảnh chưa được các nước lớn, Liên Hợp Quốc công nhận và quá nhiều kẻ địch đang cùng lúc muốn can thiệp, xâm lược, việc ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 đã tạo cho nước ta một vị thế cụ thể trên trường quốc tế, tránh được những xung đột trước mắt, tạo cơ hội xây dựng một chính quyền vững chắc hơn. Đây là bản điều ước quốc tế song phương đầu tiên mà Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với nước ngoài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet ký Tạm ước 14.9 tại Paris, Pháp
Ảnh tư liệu

Những nhân nhượng cuối cùng  

Hội nghị trù bị tại Đà Lạt không đạt kết quả gì. Tuy vậy, với thiện chí gìn giữ hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cử đoàn đại biểu do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Pháp đàm phán và bản thân Người đi thăm nước Pháp với tư cách là Thượng khách của Chính phủ Pháp từ ngày 31.5.1946.

Hội nghị Fontainebleau về hòa bình ở Đông Dương chính thức diễn ra từ ngày 6.7 - 10.9.1946, tại tòa lâu đài Fontainebleau cách Paris khoảng 60km.  Tại Hội nghị, phía Pháp vẫn khăng khăng điệp khúc đã nêu từ Đà Lạt là không công nhận Việt Nam có quyền ngoại giao và có quyền ký các hiệp ước quốc tế. Họ muốn tách Tây Nguyên thành khu tự trị và không đồng ý bàn vấn đề Nam Bộ. 

Dù không tham dự trực tiếp Hội nghị Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát quá trình thương thảo, kịp thời đưa ra các chỉ đạo thiết thực. Ngày 15.8.1946, Người tuyên bố với tờ báo Franc-Tireur (Người Du kích) của Pháp: “Tôi đến đây để xây dựng hòa bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong ước”.

Tuy nhiên, sau hơn hai tháng, trải qua nhiều phiên họp kể cả toàn thể lẫn các tiểu ban, các vấn đề cơ bản là: 1/ Độc lập của Việt Nam; 2/ Vấn đề ngoại giao; 3/ Vấn đề quân sự; 4/ Vấn đề Nam Bộ đều không đi đến thỏa thuận nào. Ngày 13.9.1946, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và phần lớn thành viên phái đoàn Việt Nam rời Paris đi cảng Toulons và lên tàu thủy về nước. Để cứu vãn tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nán lại Paris thêm vài ngày. Người chủ động gặp Thủ tướng Pháp George Bidault và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet nhằm ký một văn bản thỏa thuận trong ngày 14.9.1946.

Đến 1 giờ sáng ngày 15.9.1946, tại nhà riêng của ông Moutet, Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Moutet đã ký bản Tạm ước (modus vivendi) 14.9.1946 gồm 11 điều khoản có tính chất nguyên tắc, thể hiện thỏa thuận tạm thời giữa ta và Pháp về một số vấn đề bức thiết có tính chất bộ phận, có lợi cho cả hai bên. Những nội dung chính của Tạm ước là: Hai bên đình chỉ mọi xung đột; phía Pháp cam kết thi hành các quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ và thả những người yêu nước bị bắt giam; Chính phủ Việt Nam bảo đảm cho Pháp một số quyền lợi kinh tế và văn hóa ở Việt Nam. Cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ tiếp tục vào tháng 1.1947.

   Tạm ước 14.9.1946 có hiệu lực thi hành từ ngày 30.10.1946, chứa đựng những nhân nhượng cao nhất về kinh tế, thương mại mà Chính phủ Việt Nam có thể dành cho Pháp. Đó là những nhân nhượng cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta có thể cam kết. Những vấn đề chủ yếu liên quan đến vận mệnh Tổ quốc chưa được giải quyết, nhưng Tạm ước 14.9 có tác dụng kéo dài thời gian hòa hoãn để nhân dân ta chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

  Sáng 16.9.1946, Hồ Chủ tịch rời Paris đi cảng Toulons và lên tàu Dumont d’Urville về Việt Nam.

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh