Đại hội đồng IPU-143 và những thách thức thời đại

Từ IPU-143 nghĩ về sự gắn kết của thiết chế nghị viện

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 05:30 - Chia sẻ
Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 143 (IPU-143) đối với cá nhân tôi hay mỗi thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đều để lại những dư âm khó quên; không chỉ bởi đây là cuộc hội ngộ đầu tiên của những người làm công tác dân cử trên khắp thế giới sau 2 năm phải “xa cách” vì đại dịch; mà còn bởi không khí thẳng thắn, dân chủ của các cuộc họp và sự ấm áp của nước chủ nhà.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại phiên toàn thể IPU 143
Nguồn: TTXVN

Ngay tại Lễ Khai mạc, Đoàn chúng tôi (và chắc hẳn rất nhiều đoàn Nghị viện thành viên khác) khá bất ngờ khi Chủ tịch IPU Duarte Pacheco tâm sự rằng, cách đây vài tháng lãnh đạo IPU khá đau đầu khi không biết chọn nước nào làm chủ nhà đăng cai tổ chức IPU-143, trong trường hợp tình hình dịch Covid-19 cho phép. Ông đã trao đổi với bà Meritxell Batet Lamaña, Chủ tịch Quốc hội Tây Ban Nha về việc liệu Nghị viện Tây Ban Nha có thể đảm nhiệm việc đó. Chỉ 5 phút sau, câu trả lời là: Quốc hội Tây Ban Nha sẵn sàng. Nhanh chóng và nhiệt tình.

Đây là Đại hội đồng trực tiếp đầu tiên sau hơn 2 năm của IPU nên có thể thấy được sự hồ hởi, vui mừng của các đại biểu khi lại được gặp mặt, được trực tiếp cùng nhau làm việc, bàn thảo những vấn đề bức thiết của thế giới. Vì thế mà trong phát biểu của mình, Chủ tịch IPU đã nhắc lại câu mà ông vẫn nói “không gì thay thế được tương tác trực tiếp”.

Trong Lễ Khai mạc, Nhà vua Tây Ban Nha xuất hiện giản dị. Ông nhấn mạnh nghị viện như một thể chế trung tâm của nền dân chủ. Phát biểu của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (qua băng hình) hay lãnh đạo hai viện của Nghị viện Tây Ban Nha đều nhấn mạnh về dân chủ như là một mục tiêu đồng thời là cách làm để giải quyết được các vấn đề lớn của thế giới hiện nay (dịch bệnh, biến đổi khí hậu...) một cách bền vững. Cũng dễ hiểu bởi tôn chỉ của IPU rất đơn giản mà sâu sắc. Dưới logo của tổ chức hơn 130 năm tuổi này là dòng chữ: “Vì dân chủ, vì mọi người” (for democracy, for everyone).

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà phát biểu tại phiên toàn thể IPU 143
Nguồn TTXVN

Nghị quyết về bình đẳng vaccine: hợp lý và nhân văn

Các ngày họp của Đại hội đồng diễn ra với lịch dày đặc, từ 9h sáng (hoặc sớm hơn) đến 18h30. Covid-19 vẫn được đề cập trong mọi tham luận ở mọi cuộc họp. Tại mỗi kỳ họp, Đại hội đồng IPU đều chọn một chủ đề khẩn cấp để bàn thảo và ban hành nghị quyết thúc đẩy hành động. Năm nay, có 5 đề xuất về chủ đề khẩn cấp do các đoàn/nhóm đoàn nghị viện các nước đưa ra. Sau đó, nhiều đoàn đã rút đề xuất của mình để ủng hộ đề xuất của một số nước châu Phi về “Tăng cường sự ủng hộ nghị viện toàn cầu vì vaccine bình đẳng trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19”. Thông thường, đề xuất về chủ đề khẩn cấp phải được đại hội đồng bỏ phiếu thông qua. Nhưng lần này, các đoàn đã rút chỉ còn lại duy nhất đề xuất của nhóm nước châu Phi. Chủ tịch IPU điều hành phiên họp đã đề nghị các đại biểu cho một tràng pháo tay để thông qua chủ đề này. Sau tràng pháo tay kéo dài của các đại biểu tham dự, vị Chủ tịch, với tính chuyên nghiệp về nguyên tắc dân chủ trong nghị viện của mình, vẫn không quên hỏi lại đến 3 lần là có đại biểu nào không ủng hộ việc thông qua chủ đề này bằng hình thức là tràng pháo tay vừa rồi hay không. Cuối buổi họp, nhiều đoàn đã ra phía nhóm nước châu Phi bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành với đề xuất rất hợp lý và mang tính nhân văn cao trong bối cảnh hiện nay là cơ hội vaccine bình đẳng cho nhân dân châu Phi còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đoàn thăm thực địa tại Tập đoàn Hipra
Ảnh: Vũ Đài Phương

Quốc hội Việt Nam: chủ động và tích cực

Tham gia một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động của IPU luôn là chủ trương của Quốc hội Việt Nam trong nhiều năm qua.

Phát biểu trước Đại hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà đã đưa ra 5 đề xuất mà nếu chú ý kỹ thì rõ ràng những đề xuất đó vẫn luôn thời sự, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, tình hình thế giới hiện nay và quan trọng hơn là nó khả thi vì xuất phát từ gốc gác tôn chỉ của IPU: vì dân chủ và bằng phương pháp dân chủ, đó là:

Củng cố hòa bình, an ninh, ổn định và tăng cường hợp tác ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, đề cao pháp quyền, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, phát huy các cơ chế đối thoại, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, cùng tìm các giải pháp hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp và các thách thức cấp bách hiện nay, nhất là đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Tăng cường hợp tác chuyển đổi kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng khả năng tiếp cận của người dân và thúc đẩy sự tương tác và tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước.

Nghị viện các nước tăng cường xây dựng và hoàn thiện luật pháp, giám sát thực hiện các chính sách với phương châm lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm bình đẳng giới và nhạy cảm giới, chú trọng tới trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.

Ủng hộ sự phát triển của ngoại giao nghị viện, phát huy vai trò và sứ mệnh của IPU vì hòa bình, dân chủ trên thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và tôn trọng sự bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền, đây là nền tảng quan trọng nhất cho sự ổn định và phát triển.

Tăng cường các cơ chế hợp tác giữa IPU với Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, tổ chức nghị viện khu vực và các nghị viện thành viên để các nghị viện có cơ hội tham gia thảo luận về các chủ đề cùng quan tâm như hợp tác thương mại, đầu tư, thực thi các cam kết ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có vấn đề cấp bách chung hiện nay là biến đổi khí hậu.

Ngoại giao nghị viện thúc đẩy ngoại giao vaccine

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn Việt Nam có thể nói là đã tranh thủ từng giờ cho hoạt động đối ngoại và ngoại giao vaccine. Đón tiếp Đoàn ngay khi Đoàn vừa xuống sân bay là ông Pau Guardans i Cambo, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Barcelona - một doanh nhân thành đạt, một người có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, đã nhiều lần đến Việt Nam để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay thì vaccine vẫn là nhu cầu rất cấp thiết. Vì thế, do phải di chuyển khá xa, từ sáng sớm hôm sau cả Đoàn đã rời khách sạn đến thăm Tập đoàn Hipra - Tập đoàn sản xuất vaccine lớn thứ tư thế giới với công nghệ protein tái tổ hợp có khả năng tạo vaccine ngừa SARS-CoV-2 với độ an toàn rất cao. Đây là hoạt động góp phần thúc đẩy việc nhanh chóng thực hiện thỏa thuận giữa đối tác Việt Nam và Hipra trong việc hợp tác thử nghiệm lâm sàng và sau này là chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất, bản quyền, cung cấp dây chuyền và máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu và đào tạo nhân lực để đối tác Việt Nam có thể tự sản xuất loại vaccine này theo tiêu chuẩn châu Âu.

Covid-19 không phải rào cản của dân chủ

Tiếp tục về Đại hội đồng IPU-143, tại tất cả các phòng họp Ban Tổ chức đều bố trí phông có hình ảnh đề nghị đại biểu chú ý thực hiện các biện pháp ngừa Covid-19 như không bắt tay, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách... Cứ 48 tiếng, đại biểu lại phải test nhanh Covid-19 một lần để được vào Trung tâm Hội nghị. Ban Tổ chức dán sticker màu khác nhau cho mỗi lần xét nghiệm để dễ kiểm soát việc ra vào của đại biểu.

Có cảm giác Nghị viện Tây Ban Nha tổ chức Đại hội đồng rất nhẹ nhàng, khoa học. Do Covid-19, Nghị viện nước bạn không tổ chức một bữa tiệc nào ngoài 1 tiệc nhẹ chào mừng lãnh đạo nghị viện các nước, các vị trưởng đoàn.  

Về đi lại, từ các khách sạn (do Ban Tổ chức giới thiệu) đến Trung tâm Hội nghị, Nghị viện nước bạn chỉ bố trí 2 chuyến xe bus buổi sáng và 1 chuyến buổi chiều, còn chiều về thì cũng chỉ có 2 chuyến vào buổi chiều cách nhau hơn 4 tiếng. Bạn bố trí lực lượng cảnh sát trước cửa và trong sảnh khách sạn để bảo đảm an ninh cho đại biểu tham dự.

Chúng tôi luôn cảm nhận được sự thân thiện của người Tây Ban Nha, ngay từ khi nhập cảnh gặp cảnh sát nhập cư cho đến tiếp xúc với những người dân bình thường trong siêu thị hay quán ăn. Không phải ai cũng nở nụ cười nhưng ở họ luôn là một cảm giác thân thiện. Đây một phần có thể vì thủ đô Madrid là nơi thu hút rất nhiều khách đến vì mục đích du lịch hay đơn giản chỉ là đến xem đá bóng, nơi có đội bóng hoàng gia Real Madrid hay kỳ phùng địch thủ Atletico Madrid vốn đã quá quen với khán giả thế giới trên các đấu trường Champion’s League hàng năm.

Covid-19 không thể ngăn cản được các nghị sĩ trên thế giới trở về với các diễn đàn của mình nay được tổ chức trực tiếp như trước đây, chỉ khác là với mức độ phòng dịch cao. Và sự nhiệt huyết của các nghị sĩ thì vẫn vậy, để làm nên một kỳ Đại hội đồng IPU thành công.

IPU chính là tên viết tắt của Inter Parliamentary Union (Liên minh Nghị viện thế giới) - một tổ chức liên kết nghị viện các quốc gia có chủ quyền trên toàn thế giới IPU được thành lập vào năm 1889 bởi 2 nhà chính trị của 2 nước Anh và Pháp.

Ban đầu, IPU được thành lập với tư cách cá nhân với sự tham gia của các nhà chính trị hai nước này, trong phạm vi, quy mô hẹp, không có sự tham gia của nước thứ ba. Tuy nhiên, trong những giai đoạn về sau, tổ chức này càng được mở rộng với sự tham gia của nhiều nước và lan ra phạm vi trên toàn thế giới, trở thành tổ chức chính trị đa phương đầu tiên trên thế giới, khuyến khích hợp tác và đối thoại giữa tất cả các quốc gia.

Ngày nay, IPU bao gồm 179 Nghị viện/Quốc hội thành viên và 13 cơ quan nghị viện khu vực với mục tiêu thúc đẩy dân chủ và giúp các nghị viện trở nên mạnh mẽ hơn, trẻ hơn, cân bằng giới tính và đa dạng hơn. IPU họp mỗi năm 2 lần với sự tham dự của hơn 1.500 nghị sĩ của nghị viện các nước thành viên và đối tác, mang lại góc nhìn và tiếng nói của thiết chế nghị viện đối với quản trị toàn cầu, bao gồm thúc đẩy các sứ mệnh của Liên Hợp Quốc và việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Q.Đạt

Tản mạn của Vũ Đài Phương