Tự kiểm tra nội bộ vẫn là khâu yếu!

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:11 - Chia sẻ
Tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng trên địa bàn Hà Nội, UBND TP. Hà Nội cho biết, trong 12 năm qua (từ 1.6.2009 đến 1.6.2020), qua công tác tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện và xử lý tham nhũng trường hợp nào. Nếu chỉ nhìn nhận tình hình tham nhũng căn cứ vào kết quả tự kiểm tra nội bộ, thì có lẽ đây là một tin vui.

Thế nhưng, chúng ta đừng vội mừng, bởi cũng trong khoảng thời gian này, các đơn vị thanh tra trên toàn TP. Hà Nội đã tổ chức triển khai 3.136 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm trên 3.597 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 2.380 tỷ đồng…

Không chỉ thanh tra, Công an thành phố trong giai đoạn này cũng đã thụ lý điều tra 256 vụ với 627 bị can, trong đó khởi tố 240 vụ với 610 bị can, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 206 vụ với 578 bị can. Tòa án Nhân dân thành phố đã xét xử 265 vụ với 777 bị cáo. Số tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng đã xét xử là trên 15.687 tỷ đồng. Số tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng xét xử đã được thu hồi là hơn 7.623 tỷ đồng. Những số liệu này cũng cho thấy, nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng TP. Hà Nội trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Rõ ràng, nhìn vào bức tranh phòng, chống tham nhũng có thể thấy, giữa kết quả công tác tự kiểm tra nội bộ và công tác thanh tra đang có khoảng “vênh” khá lớn. Cử tri và dư luận đặt câu hỏi, 12 năm không phát hiện bất kỳ vụ tham nhũng nào qua tự kiểm tra nội bộ, trong khi cơ quan chức năng phát hiện có sai phạm là do năng lực tự kiểm tra của cán bộ làm công tác này còn hạn chế, yếu kém hay là còn vì lý do nào khác?

Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Coi kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

Quy định là vậy, nhưng thực tế, không ít cơ quan, bộ, ngành địa phương cả năm, thậm chí có Bộ trong thời gian dài từ năm 2016 - 2020, qua tự kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng. Nhưng cơ quan chức năng vào cuộc vẫn phát hiện những vụ tham nhũng lớn lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Không phát hiện tham nhũng có thể do cơ quan, đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác phòng ngừa. Người dân và các cơ quan có thẩm quyền đã phát huy hiệu quả chức năng giám sát của mình. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp công tác tự kiểm tra chỉ thực hiện một cách qua loa, hình thức, do trách nhiệm của người đứng đầu không cao, dẫn đến không muốn phát hiện, xử lý tham nhũng, ngại va chạm.

Không phủ nhận rằng, hành vi tham nhũng thường có độ ẩn cao, không dễ phát hiện, nếu không chủ động, có nghiệp vụ và không sâu sát thì không thể phát hiện. Tất nhiên, cũng không loại trừ từ yếu tố chủ quan, bản thân người đứng đầu cũng dính vào tiêu cực. Khi tay đã “nhúng chàm” thì muốn “né” xử lý tham nhũng.

Khâu yếu trong phát hiện tham nhũng qua kiểm tra nội bộ là một “điểm nghẽn” rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đấu tranh với tham nhũng. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp gửi đến Quốc hội, Kỳ họp thứ Mười, Khóa XIV thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ cũng nhận định, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Cần nhấn mạnh rằng, trong phòng, chống tham nhũng, thì phòng mới là quan trọng. Do đó, phải coi trọng công tác tự kiểm tra nội bộ để phát hiện và sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng. Muốn vậy, phải gắn rõ trách nhiệm, hiệu quả công tác tự kiểm tra nội bộ phát hiện tham nhũng để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu. Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu khi để “lọt” hành vi tham nhũng. Đừng để nhận định “việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ vẫn là khâu yếu” trở thành điệp khúc hàng năm trong các báo cáo về tình hình tham nhũng.

Hà An