Thu, chi, sử dụng tiền công đức:

Tự nguyện và minh bạch

- Thứ Tư, 05/05/2021, 17:31 - Chia sẻ
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Một trong những điểm quan trọng quy định trong dự thảo là việc công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mang tính tự nguyện. Không được ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội; không được coi việc công đức, tài trợ là điều kiện để tổ chức lễ hội hoặc cung cấp quyền tham gia, tham quan, du lịch, nghiên cứu lễ hội, di tích; không được quy định mức bình quân, mức tối thiểu công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội…

http://baochinhphu.vn/
(Ảnh minh họa nguồn: baochinhphu.vn)

Thiết nghĩ, tiền công đức, tài trợ là tự nguyện và cần minh bạch trong sử dụng được đề cập từ lâu. Ngay tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cũng đã nêu thực trạng: Đang có những méo mó trong việc quản lý tiền công đức ở một vài nơi. Nếu như có thể đề nghị một giải pháp thì cần có những chế định chặt chẽ, phù hợp với tính chất nhạy cảm của quỹ công đức. Chúng ta nên phát huy vai trò của các nhà tu hành, cùng với sự giám sát của cộng đồng để làm sao những người trong cuộc tự điều chỉnh hành vi của mình…

Vậy căn cứ vào đâu để có quy định hướng dẫn thực hiện thống nhất? Ngược lại các văn bản trước đó, ngày 21.8.2019, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 7467/VPCP-QHĐP về việc quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; theo đó, tại Khoản 6 Điều 19 Nghị định có quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính: “hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”. 

Đến nay, hình hài thông tư hướng dẫn đã khá đầy đủ, chi tiết, đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến Nhân dân. Theo dự thảo, tiền công đức, tài trợ cho di tích được sử dụng để chi: Hương hoa, lễ vật, phẩm vật, đèn nhang tại di tích; tuyên truyền, phổ biến về nguồn gốc, giá trị di sản văn hóa của di tích; chi bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; chi đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động của di tích; chi các hoạt động từ thiện gắn với di tích... Việc quản lý tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho di tích cũng được quy định cụ thể: Tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích phải thành lập tổ tiếp nhận dâng cúng, công đức, tài trợ. Để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, tổ tiếp nhận có trách nhiệm định kỳ hằng năm công bố thông tin công khai về việc tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ; cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Như vậy, trước những đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm dự thảo thông tư hướng dẫn. Đây là bước đi cần thiết, tạo điều kiện đảm bảo thực hiện  thống nhất việc đóng góp công đức và sử dụng tiền công đức minh bạch, mang lại niềm tin tưởng tuyệt đối và nhiều lợi ích cho cộng đồng. Vấn đề ở đây cần  tham khảo kỹ các bên liên quan; đặc biệt là đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của văn bản, vì đây là việc nhạy cảm, cần sự thống nhất, chi tiết, cụ thể ngay trong quá trình lấy ý kiến. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản càng chuẩn bị kỹ lưỡng thì khả năng thực thi càng cao, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ ràng khi thực hiện.

Thanh Hà