Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Nhật Bản

Từ nhân lực đến nguồn lực đầu tư

- Thứ Bảy, 22/06/2013, 08:33 - Chia sẻ
Một yếu tố quan trọng - tiền đề thúc đẩy các hoạt động hợp tác KH - CN giữa hai nước, đó là Việt Nam đã có một đội ngũ cán bộ KH - CN được đào tạo bài bản tại Nhật Bản… Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân tại Hội thảo “Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng” được tổ chức ngày 19.6, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
 
Triển lãm thành tựu KHCN Việt Nam - Nhật Bản                                              Ảnh: Chí Tuấn

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH-CN: thời gian qua hoạt động hợp tác KHCN giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra rất sôi động và hiệu quả. Điển hình như hợp tác giữa Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu hóa - lý trong lĩnh vực công nghệ sinh học; hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ; hợp tác giữa Viện Địa lý với Trung tâm KH-CN biển Nhật Bản về địa chấn học; hợp tác giữa Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam với Viện Khoa học Vật liệu Nhật Bản; hợp tác giữa Viện chiến lược và Chính sách KH-CN Việt Nam và Viện Chính sách KH-CN Quốc gia Nhật Bản về nghiên cứu chính sách KH-CN...

Bên cạnh đó, lĩnh vực đào tạo cán bộ KH-CN cũng được hai nước hết sức quan tâm. Nếu như năm 2005 có hơn 500 lượt cán bộ nghiên cứu của Việt Nam được cử sang Nhật Bản nghiên cứu dài hạn, ngắn hạn, đến năm 2012, con số này đã lên đến hơn 1.200 lượt người; số lượng sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nhật Bản hiện đã lên đến hơn 5.000 người. Số lượng cán bộ nghiên cứu KH-CN của Nhật Bản được cử sang Việt Nam cũng không ngừng gia tăng, năm 2005 có khoảng 1.800 lượt người, đến năm 2012, con số này đã lên đến gần 2.600 lượt người.

Ngoài ra, một số dự án hợp tác khác cũng đang được tích cực triển khai như hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng... Cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo về sở hữu trí tuệ có số lượng người lớn nhất so với các đối tác nước ngoài khác, khoảng 400 cán bộ thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; hợp tác về phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế như hiện nay, trong đó có hội nhập quốc tế về KH-CN, tăng cường hợp tác với các nước phát triển về KH-CN thì Nhật Bản là đối tác ưu tiên, tin cậy của Việt Nam. Do đó, mong rằng thời gian tới, Nhật Bản sẽ hợp tác, giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, tin học, viễn thông, năng lượng nguyên tử và năng lượng mới, công nghệ môi trường...

Nói về mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki cho biết: bên cạnh việc viện trợ nguồn vốn ODA hàng năm cho Việt Nam thì hiện nay Nhật Bản cũng đã có thay đổi về hình thức trong việc hợp tác. Đó là ngoài việc hợp tác phần cứng về cơ sở hạ tầng thì còn hợp tác cả về phần mềm như về xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng các hành động để phục vụ kế hoạch đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.   

Nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện nghiên cứu Khối cộng đồng Đông Á Hatoyama Yukio khẳng định, trong các mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản thì mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật được coi là một trong những lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược. Mỗi nước hoàn toàn có thể phát triển được thế mạnh của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và hợp tác nhân lực, Nhật Bản sẽ ưu tiên cho các lĩnh vực mà hiện Việt Nam còn yếu hoặc cần tập trung phát triển như điện nguyên tử.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết: kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam với nguồn cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư số một, đồng thời là đối tác thương mại song phương lớn thứ ba của Việt Nam. Cùng với đó, sự hợp tác trong lĩnh vực KH-CN giữa hai nước cũng phát triển tốt đẹp, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Các đối tác Nhật Bản được Việt Nam lựa chọn là đơn vị xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 tại Ninh Thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, hai bên cần có sự quan tâm hơn nữa nhằm thúc đẩy hợp tác KH-CN trong thời gian tới cho tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác có trọng tâm cho từng giai đoạn. Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác song phương trong các khuôn khổ hợp tác KH-CN đã được thiết lập giữa hai nước, Việt Nam và Nhật Bản cùng cần gia tăng sự tham gia vào các cơ chế hợp tác KH-CN đa phương đã và mới được hình thành.

Có thể nói rằng Việt Nam và Nhật Bản đang có những điều kiện hết sức thuận lợi cần được khai thác để đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác về KH-CN. Trong số đó, “một yếu tố quan trọng là Việt Nam đã có một đội ngũ cán bộ KH-CN được đào tạo bài bản tại Nhật Bản, nhiều người trong số đó đang làm việc và giữ những trọng trách tại các viện nghiên cứu, trường đại học hay các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như tại Việt Nam. Đây chính là tiền đề tốt thúc đẩy các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản vào Việt Nam nhằm góp phần phát triển mối quan hệ toàn diện của cả hai nước” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Chí Tuấn