Từ Thanh Hóa đến Quảng Nam khẩn trương ứng phó bão bão Saudel

- Thứ Ba, 20/10/2020, 20:55 - Chia sẻ
Chiều 20.10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có Công điện số 30/CĐ-TW, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Nam chủ động ứng phó với diễn biến của bão Saudel.
mua lu gay ngap lut o Ha Tinh va Quang Binh anh 1
Cơ quan khí tượng cảnh báo ngập lụt diện rộng còn tiếp diễn ở Hà Tĩnh và Quảng Bình trong ngày 20.10. Ảnh: CTV.

Công điện nêu rõ: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới phía đông Philippines đã mạnh lên thành bão (tên quốc tế là Saudel). Dự báo đến 13 giờ ngày 21.10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 20 - 25 km/giờ, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 21.10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650 km về phía Đông Đông Nam; gió cấp 8 - 9, giật cấp 11.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành thực hiện các nội dung Công điện số 29/CĐ-TWPCTT ngày 19.10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm (vùng nguy hiểm trên Biển Đông đến 13 giờ ngày 21.10 từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 116,0 đến 120,0 độ kinh đông và được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo). Các tỉnh, thành phố hướng dẫn neo đậu và có phương án bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền tại bến, các khu vực sông, các tàu vận tải, tàu vãng lai.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của bão để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia khuyến cáo: Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, các thuyền viên neo đậu tàu, thuyền không đúng chỗ, không đúng cách vẫn xảy ra thiệt hại do tàu, thuyền va đập vào nhau và do sóng đánh lật úp tàu.

Để hạn chế thiệt hại, khi neo đậu tàu, thuyền, các thuyền viên chú ý, ở những bến bãi không có cầu tàu, cần neo đậu tàu, thuyền theo hướng thẳng góc với bờ, giữ cho khoảng cách giữa các tàu thuyền đủ rộng để tránh va đập vào nhau. Tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền theo hướng song song với bờ, vì như thế tàu thuyền rất dễ bị sóng đánh thẳng vào mạn làm lật úp tàu.

Thuyền viên cần thả cả neo đáy và neo bờ để giữ cho tàu thuyền cố định; sử dụng các lốp xe hơi cũ treo ở thành tàu thuyền, mạn tàu thuyền và cả mũi tàu thuyền để hạn chế va đập vào nhau và va đập vào cầu tàu thuyền; không neo đậu tàu thuyền dưới hoặc bên cạnh các cầu giao thông, không lấy trụ cầu để buộc neo.

PV