Từ thí điểm tới nhân rộng

- Chủ Nhật, 04/07/2021, 06:12 - Chia sẻ
	Thí điểm cách ly 7 ngày với người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19
Thí điểm cách ly 7 ngày với người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19
Nguồn: ITN

Thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" đến Phú Quốc (Kiên Giang); cách ly y tế tập trung 7 ngày tại Quảng Ninh đối với những người nhập cảnh hay xem xét cách ly F1 tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… là những đề xuất mang tính đột phá nhằm bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Song, với những đề xuất mới, cùng với việc chỉ rõ khó khăn, vướng mắc, rất cần những bước đi thận trọng, linh hoạt cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía bộ, ngành, địa phương. Nói như lãnh đạo Bộ Y tế, "bao giờ thí điểm cũng có những khó khăn, nhưng cũng có thuận lợi. Tinh thần là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để ngày càng tốt hơn". 

Đơn cử như việc Bộ Y tế vừa có quyết định triển khai thí điểm "Hướng dẫn cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh", thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh, áp dụng từ ngày 1 - 31.7. Theo đó, áp dụng thời gian cách ly y tế tập trung 7 ngày đối với những người đáp ứng đủ các điều kiện như đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 và xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính vào ngày thứ nhất sau khi nhập cảnh... Song, không ít khó khăn đã được chỉ ra như thiếu cơ sở để xác nhận tính pháp lý của các hồ sơ của đối tượng nhập cảnh áp dụng thí điểm; chưa có tài liệu hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát người cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú...

Rõ ràng, cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về con người, cơ sở vật chất, hạ tầng cho thực hiện thí điểm thì công tác hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm kháng thể; tăng cường phối hợp và chỉ rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương về việc đăng ký, tiếp nhận công dân nhập cảnh và giám sát quá trình vận chuyển, cách ly, theo dõi sau cách ly cần được đặt ra.

Tương tự với việc thực hiện thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine". Ngay sau khi được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng phương án thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" đến Phú Quốc (Kiên Giang). Có thể nói, việc mở cửa đón khách quốc tế là vấn đề quan trọng nhưng ưu tiên cao nhất vẫn là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vì thế, thí điểm từng bước về thị trường khách, hình thức chuyến bay, chọn điểm đến, sản phẩm phù hợp, doanh nghiệp dịch vụ đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch là nhiệm vụ được đặt ra.

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với Phú Quốc cũng như các địa phương khác là nguồn cung ứng vaccine còn khan hiếm. Điều đó đòi hỏi phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, trang thiết bị cơ sở vật chất y tế, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tiêm vaccine và phòng, chống dịch Covid-19; phân công trách nhiệm rõ ràng, khoa học giữa các cơ quan, bộ, ngành liên quan. Song song với việc áp dụng hộ chiếu vaccine thì thực thi các giải pháp đồng bộ đi kèm để sáng kiến này mang lại hiệu quả và an toàn là kiến nghị của không ít chuyên gia. 

Hay với phương án cách ly các F1 tại nhà - phương án mà Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã bàn, thống nhất từ tháng 4; việc bảo đảm điều kiện cần thiết cũng được tính tới. Mới đây, theo hướng dẫn, đề xuất của Bộ Y tế, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo mỗi địa phương trong tỉnh triển khai thí điểm 1 trường hợp F1 cách ly tại nhà. Sau khi thực hiện thí điểm, nếu đáp ứng được các điều kiện về phòng dịch, Bình Dương mới nhân rộng.

Dẫu biết đây là phương án cần thiết trong lúc này, nhưng để triển khai đạt hiệu quả trên thực tiễn còn phải xem xét tới nhiều yếu tố, trong đó ngoài điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm yêu cầu cách ly của từng gia đình thì năng lực quản lý của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Liệu địa phương có đủ nhân lực, vật lực để tham gia theo dõi, giám sát nghiêm các đối tượng F1 cách ly tại nhà hay không? Hay bản thân các đối tượng F1 có ý thức chấp hành các quy định của Bộ Y tế về cách ly tại nhà hay không, chế tài như thế nào để xử lý các trường hợp vi phạm?

Suy cho cùng, thí điểm có thành công hay không, phụ thuộc vào sự chủ động, sáng tạo của các địa phương cũng như ý thức chấp hành, sự chung tay, hợp tác từ phía người dân. Điều đó không chỉ giúp san sẻ gánh nặng cho tuyến đầu chống dịch, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh mà còn góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. 

Đỗ Quyên