Đọc sách: Từ vay hay dùng

- Thứ Sáu, 29/01/2021, 07:23 - Chia sẻ

Tác giả Thùy Dung giải nghĩa gần bốn mươi từ vay mượn của tiếng nước ngoài, những từ khá thông dụng. Nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết có những từ tưởng như rất “thuần Việt” hóa ra lại là từ vay mượn. Nai (mắt nai, giả nai) chẳng hạn. Tác giả cho rằng đó không phải là ví với con nai đâu, mà là chữ naïve tiếng Pháp (tiếng Anh cũng chữ này) có nghĩa là “ngây thơ, khờ dại, chất phác”. Cái cốc cái tách chẳng hạn, cái cốc có gốc từ tiếng Hán, còn cái tách lại cũng là từ tiếng Pháp (tasse).

Rồi địa danh lừng lẫy Bến Tre, nghe tre trúc có vẻ thuần Việt thế, nhưng lại được giải thích rằng chữ tre là xuất phát từ Trey tiếng Khmer, tức là cá. Ngày trước, đó là làng Cá hay xứ Cá.

Cách giải thích ngắn gọn, sinh động, dễ nhớ, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi và với những người không chuyên sâu ngôn ngữ.

Tuy vậy, vẫn còn một số chỗ có thể gây băn khoăn. Khi giải thích cụm từ “oẳn tù tì”, tác giả viết: “Trò này do lính Mỹ mang vào miền Nam Việt Nam trước năm 1975” (trang 8). Thực ra, ở miền Bắc trước năm 1975, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của người Mỹ nhưng trẻ con đã chơi trò oẳn tù tì. Có người cho rằng ngay từ thời Pháp thuộc, trước năm 1954, ngôn ngữ tiếng Việt không chỉ có một số từ vay mượn của tiếng Pháp mà có cả tiếng Anh, trong đó có chữ oẳn tù tì này.

Tác giả giải thích chữ xì ke là bắt nguồn từ tiếng Anh scag, tiếng lóng có nghĩa là ma túy, rồi mở rộng: “Ngoài ra, xì ke còn bị chuyển nghĩa để chỉ những người gầy… Xuất phát từ thực tế những người nghiện ma túy thường ốm o, gầy trơ xương” (trang 14). Ở chỗ này, xin bàn thêm: có người lại cho rằng chữ xì ke để chỉ người gầy là xuất phát từ âm đầu của chữ skeleton (bộ xương).

Ở trang 30, có một sai sót khi tác giả đọc/phiên âm chưa chính xác dẫn đến viết sai từ tiếng Anh: “hô li gân (holligan)”. Phiên âm đúng và viết đúng phải là “hu li gân (hooligan)”.

Một băn khoăn nữa, ở trang 36 - 37, tác giả giải thích: “Tục huyền dùng để chỉ hành động người đàn ông lấy vợ khác khi vợ trước qua đời… Chồng góa vợ thì gọi là “đoạn huyền” (đứt dây đàn)”. Đúng là người đàn ông đã qua một vài đời vợ mà lại lấy vợ lần nữa thì chính xác phải nói là ông ta “tục huyền” (nối lại cái dây đàn đã đứt. Còn ai đó nói người đàn ông “đi bước nữa” là không chính xác, đi bước nữa chỉ dùng cho phụ nữ). Nhưng người đàn ông đã chia cách với vợ cũ, đã chấm dứt hôn nhân, thì cũng coi là một lần đứt dây đàn đấy chứ, đâu phải vợ qua đời mới là đứt dây đàn.

Hồ Anh Thái

------

* Từ vay hay dùng, Thùy Dung, NXB Kim Đồng, 2020.