Tuân thủ chiến lược “tháp 3 tầng” điều trị Covid-19

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 06:38 - Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng". Quyết định này của Bộ trưởng Bộ Y tế được đánh giá cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới.

Trong chiến lược “tháp 3 tầng” điều trị Covid-19, dựa trên phân loại độ nặng của bệnh mà người mắc Covid-19 sẽ được thu dung, điều trị bởi các bệnh viện thuộc các “tầng” tương ứng. Theo đó, tầng 1 chuyên thu dung điều trị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tầng 2 là các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 có triệu chứng và tầng 3 là các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch.

Theo Đề án Bộ trưởng Bộ Y tế vừa phê duyệt, Việt Nam sẽ có 12 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Các Trung tâm hồi sức tích cực này được coi là tầng 3 - tầng quan trọng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 trở nặng, nguy kịch.

Ở tầng điều trị thứ 3 này, đòi hỏi các cơ sở điều trị phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, các y bác sĩ phải nỗ lực, tận tâm, tận tụy hết mình trong từng phút, từng giây cho những bệnh nhân nhiễm Covid -19 bị trở nặng để giành giật lại sự sống.

“Tầng 3” - các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch quan trọng là vậy, nhưng phát biểu trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) thẳng thắn nhận định, tầng 3 là tầng quan trọng nhất nhưng chúng ta lại yếu nhất. Do đó, đại biểu cho rằng, cần khẩn trương hình thành các trung tâm này và chỉ nhận điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hay hỗ trợ ECMO. Nguồn lực của cả trung ương và địa phương cần tập trung vào các trung tâm này để bảo đảm cho số giường ICU không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.

Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 với số lượng ca mắc mới trên cả nước tăng rất nhanh với gần 130 nghìn ca nhiễm. Sự xuất hiện biến chủng Delta với tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước, số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao. Chỉ tính trong vòng 11 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và 6 ngày giãn cách tại Hà Nội, cả nước ghi nhận 74.434 ca nhiễm.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong giai đoạn này dịch đang ở “giai đoạn tấn công”, thực hiện giãn cách xã hội chỉ làm “phẳng hóa đường cong của lây nhiễm”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam hết sức lưu ý tình trạng trở nặng của người bệnh sẽ diễn ra ở giai đoạn này. Đây là vấn đề cấp thiết, do đó các tỉnh, thành phố phải tập trung cao độ cho cơ sở vật chất để chuẩn bị sẵn cho công tác điều trị.

Lúc này, dịch đã xuất hiện ở hầu hết tỉnh thành phố, đòi hỏi chúng ta cần có những biện pháp để chủ động chống dịch. Bộ Y tế đã có hướng dẫn về phân tầng điều trị. Phần việc còn lại sự vào cuộc chủ động của các địa phương trong điều trị tích cực, với việc bảo đảm cơ sở vật chất trong hệ thống hồi sức ở tầng cao nhất, chú trọng rà soát ngay hệ thống, máy thở để bảo đảm chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 trở nặng.

Việc thành lập các Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19; việc các cơ sở y tế tuân thủ chiến lược “3 tầng” điều trị Covid -19 là rất cần thiết và cấp bách để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người bệnh khi bị lây nhiễm Covid-19. Tới đây, số ca mắc có thể sẽ gia tăng nhanh. Để ngăn chặn lây lan dịch, với những địa phương có nhiều ca nhiễm, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg. Cùng với đó, người dân tuyệt đối tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Bởi như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, chỉ thực hiện nghiêm “chặt ngoài, chặt trong” mới có thể giảm được ca mắc, nếu không sẽ rất khó khăn.

Lê Hùng