19 năm Ngân hàng Chính sách xã hội đồng hành cùng người nghèo

Từng bước khẳng định vai trò, tầm vóc trong việc đảm bảo an sinh xã hội

- Thứ Năm, 18/11/2021, 10:03 - Chia sẻ
19 năm hình thành và hoạt động trong diễn tiến phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng của của nền kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) dần trưởng thành, từng bước tham gia vào xây dựng và hoàn thiện chính sách tín dụng giảm nghèo, an sinh xã hội; đảm bảo nền kinh tế đất nước hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau.

Việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội. Tại Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” đã khẳng định rõ: “tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thực hiện điểm giao dịch tại xã

Qua 19 năm hoạt động của NHCSXH, tín dụng chính sách xã hội đã được ghi nhận và khẳng định là một trong những giải pháp hiệu quả, công cụ hữu hiệu của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy lùi “tín dụng đen” và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội thông qua NHCSXH vừa góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước tới các đối tượng yếu thế của xã hội là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mù, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác, giúp họ tiếp cận được các dịch vụ tài chính với nhiều ưu đãi về thủ tục, về lãi suất để tự lực tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước bối cảnh chung của đất nước cũng như những cơ hội, thách thức đối với hoạt động của NHCSXH, để triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đảm bảo tập trung nguồn lực cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan cần quan tâm rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động huy động vốn của NHCSXH trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tập trung huy động vốn cho tín dụng chính sách xã hội nhằm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới. Song song với đó, Chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện cần chủ động tham mưu HĐND, UBND cùng cấp có kế hoạch bố trí Ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, tạo lập nguồn vốn ổn định phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời, giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây nhiều tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và đời sống của nhân dân trên địa bàn nói riêng, cần tiếp tục tích cực chủ động phối hợp với cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan triển khai rà soát, nắm bắt nhu cầu của người dân, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, tham mưu HĐND, UBND cùng cấp dành một phần Ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH cho vay các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định. 

Thứ hai, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan liên quan và NHCSXH cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Để làm tốt nội dung này, phải có sự đồng thuận, nhất trí cao và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể cũng như đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt, cần có sự chỉ đạo thống nhất từ cấp Trung ương cũng như có các chương trình, kế hoạch hành động bài bản, cụ thể trong từng giai đoạn, đảm bảo sát với thực tế tại từng địa phương. Đồng thời, phải đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, gắn với việc quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ ở các cấp để rút ra bài học kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến. Song song với đó, cần tập trung phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. 

Thứ ba, chủ động rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai các chương trình tín dụng chính sách để tham mưu các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đối với các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang triển khai, NHCSXH cần chủ động rà soát, nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tham mưu Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, chỉnh sửa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách kịp thời, thuận lợi và sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm tín dụng phù hợp với đối tượng chính sách xã hội và yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới như: cho vay trực tiếp, cho vay hợp tác xã, cho vay theo chuỗi, cho vay góp vốn, tổ hợp tác và các chính sách tín dụng mới cho các đối tượng phát sinh theo yêu cầu trong từng giai đoạn.

Thứ tư, tiếp tục tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, thị trấn. NHCSXH tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay của NHCSXH thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và có sự tham gia, giám sát của Trưởng cấp thôn; chủ động phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác ủy thác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội cấp dưới, hoạt động của các Tổ TK&VV và việc sử dụng vốn của người vay, đảm bảo triển khai, quản lý tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn tới.Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch NHCSXH tại xã, phường, thị trấn, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giao dịch với Ngân hàng và tiếp cận kịp thời với các chủ trương tín dụng chính sách của Đảng, Chính phủ, các thông tin, hướng dẫn về quy trình, thủ tục vay vốn tín dụng CSXH.

Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn đối với cán bộ NHCSXH và cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tín dụng chính sách xã hội tại chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp. Một mặt, cần đảm bảo duy trì, phát huy tối đa tiềm lực của đội ngũ cán bộ hiện có, mở rộng một cách bền vững nguồn nhân lực để đáp ứng các mục tiêu Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021-2030, mặt khác, cần quan tâm tạo cơ hội để phát huy những điểm mạnh, năng lực vượt trội của nguồn nhân lực sẵn có để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; có chính sách thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ NHCSXH tinh thông nghiệp vụ, yêu ngành, yêu nghề, triển khai thực hiện tín dụng chính sách với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Song song với đó, cần tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tín dụng chính sách xã hội (cán bộ ngoài hệ thống NHCSXH) gồm: Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng cấp thôn, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội làm công tác ủy thác vay vốn các cấp; Ban quản lý Tổ TK&VV…, đảm bảo hiểu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội và làm tốt công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện, quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Thứ sáu, triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội. Chú trọng truyền thông trong nước góp phần nâng cao nhận thức và gia tăng sự hiểu biết, niềm tin của công chúng, mọi tầng lớp nhân dân vào hoạt động của NHCSXH và các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai qua NHCSXH bằng nhiều hình thức, thông qua nhiều nền tảng công nghệ. Song song với đó, đẩy mạnh truyền thông đối ngoại để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, kết quả hoạt động của NHCSXH, chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ đến các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế, làm nổi bật tính ưu việt, nhân văn của chủ nghĩa xã hội với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ bảy, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách thông qua nhiều hình thức như: kiểm tra giám sát của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; chương trình kiểm tra đột xuất, kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra giám sát từ xa của NHCSXH các cấp; kiểm tra đột xuất hoặc theo chương trình chuyên đề của Quốc Hội, Ủy ban giám sát Quốc Hội, HĐND và Đoàn đại biểu HĐND các cấp; kiểm tra theo kế hoạch, chương trình của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước…. Qua kiểm tra, cần kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý những tồn tại hạn chế cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị của người dân liên quan đến tín dụng chính sách xã hội để đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn triển khai và nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, NHCSXH cần thực hiện tốt việc công khai thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, công khai danh sách các hộ gia đình được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, đang có dư nợ vay NHCSXH tại Bảng thông tin tín dụng chính sách treo trong khuôn viên UBND các xã, phường, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận thông tin, đồng thời, phát huy vai trò giám sát của toàn dân, của cả cộng đồng đối với việc tổ chức tín dụng chính sách xã hội.

Tín dụng chính sách góp phần hiện thực hóa quan điểm của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội, công bằng xã hội, đưa Việt Nam vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

PV