Tuổi 20 khi hướng đời đã thấy

- Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:37 - Chia sẻ
Trong hồi ức của bao người, mùa thu năm 1945 là những tháng ngày không thể nào quên. Từ thành thị tới nông thôn, tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Bài hát "Tiến quân ca" vang lên mọi nẻo đường. Trong dòng người như lũ tràn thác đổ năm ấy, có những thanh niên ở tuổi 20 đầy hoài bão, bừng bừng tinh thần dân tộc và ngọn lửa tận hiến cho Tổ quốc. Vượt qua bao gian khổ, hy sinh trong những năm dài làm cách mạng, nhiều lúc đối mặt với tử thần và kẻ thù tàn ác, nhưng bản lĩnh và trí tuệ của người cộng sản chân chính đã giúp họ vượt qua tất cả. Để hôm nay, sau 3/4 thế kỷ, họ vẫn là ánh sao khuê cho thế hệ trẻ noi theo.
	Đại tá Hoàng Long Xuyên với cháu nội, Trung úy Hoàng Đức Thiện, Phòng PA03, Công an tỉnh Thái Nguyên
Đại tá Hoàng Long Xuyên với cháu nội, Trung úy Hoàng Đức Thiện, Phòng PA03, Công an tỉnh Thái Nguyên

Cao - Bắc - Lạng quật khởi

Ngay từ đầu năm 1945, tại các tỉnh thượng du và trung du phía Bắc đã dấy lên cao trào kháng Nhật cứu quốc mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa đã phát triển trong toàn quốc. Phong trào chiến tranh du kích, khởi nghĩa từng phần đã diễn ra tại nhiều địa phương, hàng loạt xã, châu, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên... được giải phóng. Đại tá Hoàng Long Xuyên năm nay 104 tuổi, nguyên Giám đốc Công an khu tự trị Việt Bắc, đang sống trong căn nhà ba gian giản dị sát bên đường lớn tại thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, chính là một trong những người tham gia giành chính quyền ở biên khu Việt Bắc năm xưa.

Năm 17 tuổi, Hoàng Long Xuyên ở bản nhỏ người Nùng đã đi theo cách mạng và hoạt động tại vùng rừng Hòa An, Hà Quảng, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Sâm và được chọn cử đi học ở Trường Quân sự Quảng Tây, Trung Quốc. Sau gần 4 năm, tháng 12.1944, ông về nước tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và được phân công về gây dựng cơ sở cách mạng tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Móm mém cười rất tươi, Đại tá Hoàng Long Xuyên kể: “Trung tuần tháng 3.1945, phân đội nhận được lệnh Đông tiến, mở đường liên lạc tới Lạng Sơn. Đêm 18.3.1945, toàn phân đội xuất phát theo đường mòn xuyên rừng, chính thức tiến công vào các đồn, bốt của địch và lần lượt đánh chiếm kho muối chia cho dân, đánh đồn Pò Mã, diệt phỉ bảo vệ thị trấn Bình Gia, giải phóng Điềm He. Khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh, thì ta đã hoàn toàn làm chủ vùng biên khu để chủ động tiếp ứng cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Ngay trong hôm 18.3, ông đã được kết nạp Đảng. Sung sướng lắm các cháu ạ!”.

Từ ngày 18 - 22.8.1945, Phân đội trưởng Hoàng Long Xuyên đã chỉ huy đơn vị hội quân với đại đội độc lập Thoát Lãng do đồng chí Ngọc Trình làm chỉ huy, hỗ trợ quần chúng nhất tề nổi dậy, tiến công quân Nhật, làm chủ Ôn Châu, Hữu Lũng, Thất Khê, Thoát Lãng, Na Sầm… Ngày 24.8.1945, tại Ba Xã (châu Điềm He), Phân đội trưởng Hoàng Long Xuyên tham gia cuộc họp của Tỉnh ủy Lạng Sơn. Hội nghị thành lập Ban Chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh và đề ra chủ trương nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ, lập chính quyền cách mạng.

Chỉ với áo vải, dép lốp và vũ khí thô sơ, những năm kháng chiến chống Pháp sau này, ông Hoàng Long Xuyên đã cùng Trung đoàn Long Xuyên tham gia nhiều chiến dịch quan trọng, làm cho quân Pháp và bè lũ tay sai khiếp sợ. Tên ông gắn với những chiến công vang danh núi rừng Việt Bắc của Trung đoàn Long Xuyên (tên gọi khác của Trung đoàn 28 Lạng Sơn do ông là Trung đoàn trưởng). 

“Không có cách mạng thì không có mình cháu ạ. Dẫu có thiệt thòi thì ông còn may mắn hơn những người đã hy sinh. Dẫu có thế nào vẫn phải luôn giữ trọn vẹn hiếu trung mới là người cộng sản”, Đại tá Hoàng Long Xuyên đúc kết.

Duyên hải vang “Tiếng trống Kim Sơn”

	Ông Đặng Nam trò chuyện cùng tác giả - nhà thơ Phạm Vân Anh
Ông Đặng Nam trò chuyện cùng tác giả - nhà thơ Phạm Vân Anh

Từ ký ức của người lính giải phóng biên khu năm xưa, chúng tôi xuôi dòng sông Đa Độ để đến gặp ông Đặng Nam, năm nay 100 tuổi - người mang bí danh Hồng Việt, đội trưởng đội tự vệ làng Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Từ trong ba nhánh tre ươm/ Thành căn cứ địa Kim Sơn - Tân Trào/ Âm vang tiếng trống, đường dao/ Đất bằng nổi sóng phất cao cờ hồng/ Cũng từ ngọn lửa bập bùng/ Lan ra tỏa sáng một vùng Kiến An… Những tháng ngày kiên cường ấy đã đi vào thơ của ông như một cách giáo dục truyền thống thú vị đối với trẻ em trong huyện.

Chuyện rằng, khởi nghĩa ở Kim Sơn diễn ra rất sớm, ngay từ tháng 3.1945, Việt Minh ở các quận huyện khu vực Kiến An - Hải Phòng với sự hỗ trợ của tự vệ, đã kéo đến phá kho thóc của địa chủ chia cho dân nghèo. Tới ngày 11.7.1945, tự vệ làng Kim Sơn do Đặng Nam chỉ huy bí mật tập kích đồn Đoan ở Tiểu Bàng, thu vũ khí và cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc đồn địch. Sáng sớm hôm sau, đông đảo Nhân dân Kiến Thụy, Tiên Lãng đã kéo về Kim Sơn, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn... 

“Sáng thành lập chính quyền Cách mạng, chiều quân địch tổ chức lực lượng cả xã ủy và chánh tổng, phó tổng toàn huyện họp ở trường Cổ Trai, bị chúng tôi ra trấn áp. Chính Trung tướng Đặng Kinh, lúc bấy giờ phụ trách quân sự, ra tước thẻ ngà của tên Trần Tự. Hắn run như cầy sấy nói: 'Thưa Cách mạng, từ nay chúng tôi không dám chống đối Cách mạng nữa' và tuyên bố giải tán cuộc họp. Chúng tôi cờ mở trống dong, hô khẩu hiệu 'Việt Nam độc lập muôn năm', đả đảo Đế quốc Nhật...” - ông Đặng Nam nhớ lại.

Sự ra đời của Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn đã khiến quân Nhật và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ. Ngày 4.8.1945, Nhật huy động 2 xe camnhông chở 40 lính và sĩ quan Nhật với đầy đủ vũ khí về đàn áp phong trào cách mạng ở Kim Sơn. Lúc đó, với vai trò là chỉ huy của các đội tự vệ ở Tú Đôi, Đoàn Xá, Lão Phong... ông Đặng Nam đã phối hợp với các đội tự vệ ở huyện Tiên Lãng cùng nhau đánh địch. Hào khí của “Tiếng trống Kim Sơn” lan tỏa, lần lượt các quận, huyện của Kiến An - Hải Phòng như: Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, An Dương... đều khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Sau Cách mạng Tháng 8, ông Đặng Nam là Phó trưởng công an Kiến Thụy, cùng đồng đội vừa phát triển lực lượng công an cấp xã, kiện toàn bộ máy công an huyện, vừa hoạt động trừ gian phá tề, hạn chế thiệt hại do địch gây ra. Hòa bình lập lại, người tự vệ kiên định năm ấy tiếp tục được tín nhiệm và giao nhiều vai trò quan trọng hơn như Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, rồi Trưởng ban Thanh tra Thành ủy Hải Phòng. Ở vị trí nào, ông cũng làm việc, cống hiến, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân và đồng chí, đồng đội.

Du kích quân Đông Triều

	Nghệ nhân Nguyễn Hãn là tay trống chầu ca trù điêu luyện
Nghệ nhân Nguyễn Hãn là tay trống chầu ca trù điêu luyện

Trong cao trào cách mạng tiền khởi nghĩa, Đông Triều là căn cứ của đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đạo. Ngày 8.6.1945, Ủy ban Quân sự cách mạng chiến khu và Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời đã được thành lập dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Bình. Thời điểm ấy, ông Nguyễn Hãn, biệt danh “Hãn Đen”, vốn là con một... tướng cướp ở tổng Thủy Đường (nay thuộc Thủy Nguyên, Hải Phòng) được bố đưa cho một khẩu súng, mở rộng cửa lớn, bảo: “Hãy đi tìm chú Nguyễn Bình. Là nam nhi thì phải biết đền nợ nước”. Thế là ông đi.

 Ông gia nhập tổ du kích 6 người do đồng chí Nguyễn Hữu Hãn - biệt danh “Hãn Béo” - chỉ huy và tới gặp nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà xin được mượn chiếc xe ô tô. Trên đường sang Quảng Yên, họ đã trấn áp những tên Việt gian thân Nhật, khống chế các đội lính dõng và tên cai Nhật chủ xưởng đất đèn, tước vũ khí và buộc chúng mở kho phát lương thực, tiền và muối cho dân chúng.

Xe tới Đông Triều thì bị chặn lại tra xét. Ông Nguyễn Hãn nói: “Chúng tôi là đội du kích đến từ Hải Phòng, trên đường sang đây đã cướp được một số vũ khí xin nộp lại cho đồng chí chỉ huy mặt trận”. Lúc ấy, một người đàn ông tầm thước, đeo kính đen từ phía sau đám đông bước lên hỏi cặn kẽ sự việc rồi bảo: “Chúng tôi trù tính là ngày mai sẽ tiến đánh Quảng Yên, nhưng các anh đã sang đây và đánh động chúng rồi nên ngay đêm nay chúng ta tiến hành luôn để bọn chúng không kịp chuẩn bị”.

Đêm 20.7.1945, cả Quảng Yên rung chuyển trong tiếng súng nổ và tiếng quân reo hò không ngớt. Ta chiếm được các cơ quan đầu não và làm chủ tình hình. Tại Quảng Yên không có quân Nhật mà chỉ có một trại lính khố xanh, anh em bao vây phía ngoài và cử đại diện vào thương thuyết với họ. Toàn bộ số lính khố xanh đều buông súng đầu hàng, một nửa xin về với gia đình còn một nửa tình nguyện theo ta tiếp tục chiến đấu. Trận ấy, ta thu được trên 200 khẩu súng, gần 3 vạn bạc và tiến hành thành lập chính quyền lâm thời tại đây.

Ông Nguyễn Hãn kể thêm rằng, ngày hôm sau, một tàu chở lính Nhật có trang bị khí giới cập bờ sông, đồng chí Nguyễn Bình cử trung đội tuần tra kiểm soát dọc tuyến và bắn theo tàu. Trên tàu cũng bắn lên bờ một vài loạt đạn thị uy rồi tăng tốc nổ máy chạy ra biển. Nhân dân hai bên bờ sông nhất loạt vỗ tay và hô vang: “Việt Minh chiến thắng! Việt Minh chiến thắng…”. Sau khi chính quyền lâm thời Quảng Yên được thành lập, nhóm của ông Hãn nhận được chỉ thị về Hải Phòng và tham gia hoạt động an ninh nội tuyến.

Về già, nghệ nhân Nguyễn Hãn có nhiều đóng góp trong việc truyền dạy nghệ thuật đánh trống chầu và sáng tác lời mới cho các làn điệu ca trù. Những tư liệu cá nhân và sự hiểu biết, tài hoa của ông đóng góp nhiều giá trị cho hồ sơ ca trù của Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam trình UNESCO đề nghị đưa ca trù vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Vinh quang bên Lễ đài Độc lập

Ông Phạm Gia Đốc tham gia bảo vệ Lễ đài Độc lập ngày 2.9.1945 (người mặc bộ đồ trắng, đeo huy hiệu, đứng thứ 2, bên phải sang)
Ông Phạm Gia Đốc tham gia bảo vệ Lễ đài Độc lập ngày 2.9.1945 (người mặc bộ đồ trắng, đeo huy hiệu, đứng thứ 2, bên phải sang)

Trong những ngày thu tháng 8.1945, không chỉ có những người lính giải phóng quân, các đội tự vệ địa phương, mà rất nhiều giai cấp cùng đứng lên giành độc lập. Ông Phạm Gia Đốc - 97 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường Dạy nghề thành phố Hà Nội, đội viên đội Công nhân Cứu quốc thành Hoàng Diệu, năm xưa đã cùng với búa, kìm tham gia đánh chiếm các cơ sở quan trọng của chính quyền bù nhìn thân Nhật.

76 năm vun đắp khát vọng hùng cường mang tên Việt Nam là 76 năm toàn Đảng, toàn dân chung ý chí, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa đất nước đến bến bờ vinh quang, tương lai xán lạn... Và những bậc lão thành được tôn vinh trong bài viết nhỏ này chính là đại diện cho một thế hệ vàng của dân tộc, truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

 “Tôi tham gia cách mạng khi mới 19 tuổi, đang là công nhân nhà máy điện Yên Phụ. Ngày 18.8.1945, cả Hà Nội im ắng, nhưng chúng tôi thì đã sẵn sàng với cuốc, thuổng, búa, dao để ngày 19.8 đi giành chính quyền. Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19.8.1945, tự vệ nội, ngoại thành giương cao cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn quân khởi nghĩa, hát vang bài 'Tiến quân ca' và nhanh chóng chia lực lượng đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát và trại Bảo an binh… Sau khi Thành ủy Hà Nội tuyên bố giành chính quyền, tôi và một số cán bộ khác được ông Chu Đình Xương - Giám đốc Nha Công an Bắc Bộ mời đến gặp để bàn việc cơ mật, là đảm nhận trọng trách bảo vệ Lễ đài Độc lập khi Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân” - ông Phạm Gia Đốc nhớ lại.

 Thời điểm ấy, các thành phần chống cách mạng vẫn hoạt động rất mạnh ở Hà Nội mà lực lượng bảo vệ lễ đài của Việt Minh lại quá ít. Ông Đốc và anh em trong đội mỗi người được phát một khẩu súng ngắn cùng 5 viên đạn, ai cũng thấp thỏm mất ăn mất ngủ. Rồi cái ngày trọng đại ấy cũng đến. Lễ đài Độc lập được bố trí bảo vệ ba vòng. Vòng trong cùng là các đơn vị giải phóng quân. Ông Đốc cùng đồng đội thuộc Nha Công an Bắc Bộ đứng ở vòng hai, dưới chân lễ đài, trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời. Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu bảo vệ vòng ngoài cùng.

Cho chúng tôi xem bức ảnh bảo vệ Lễ đài Độc Lập năm ấy, ông chỉ vào thanh niên mặc áo sơ mi trắng, quần tây, súng dắt bên hông, bảo: “Tôi đứng chỗ này từ rất sớm, trời hôm ấy nắng đẹp lắm. Đến 14 giờ, một chiếc xe Citroën màu đen được hộ tống bởi hai mô tô và các chiến sĩ cảnh sát đi xe đạp từ từ đi qua quảng trường rồi vòng ra sau lễ đài. Nghi lễ kéo cờ và cử quốc ca bắt đầu thật linh thiêng và thành kính. Khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Hỡi đồng bào cả nước…”, nước mắt tôi chực trào ra. Chúng tôi đứng dưới nắng mà không hề thấy oi bức, mệt mỏi gì, ai cũng đứng thẳng lưng, ưỡn ngực cao vì biết Nhân dân đang nhìn về phía mình”.

Hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang này, ông Phạm Gia Đốc tiếp tục công tác tại Công an Bắc Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã bám trụ Thủ đô, dũng cảm hoạt động trong lòng địch, diệt ác trừ gian và bảo vệ Hà Nội vẹn toàn khi quân Pháp rút đi sau hiệp định Geneve. Năm 2018, Công an thành phố Hà Nội đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông Phạm Gia Đốc đã thay mặt những chiến sĩ công an quả cảm của Thủ đô ngày ấy lên nhận bằng vinh danh anh hùng...

Phạm Vân Anh