“Tuổi thọ” của luật

- Thứ Sáu, 15/01/2021, 06:55 - Chia sẻ
Sáng qua, tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chia sẻ chung một nỗi lo: “tuổi thọ” của luật có xu hướng bị rút ngắn.

Với hai nhiệm kỳ tham gia Quốc hội (Khóa XIII, XIV), Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương không khỏi tâm tư khi một số dự luật trình Quốc hội có tính chất như “ vá chỗ xì hơi”, chỉ nhìn thấy một số vấn đề nổi lên trước mắt là đề nghị sửa chứ chưa đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các vấn đề với tầm nhìn dài hạn, dự báo các xu hướng phát triển. Vậy nên, nhiều luật chỉ vài năm sau đã lại phải sửa đổi. 

Minh chứng cho nhận định của đại biểu Phương có thể kể đến câu chuyện “nóng hổi” vừa được bàn thảo tại Kỳ họp thứ Mười khi Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Không ai phản đối việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố này nhưng vấn đề tranh luận nằm ở việc: mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là thực hiện ngay hay phải thí điểm như tại Hà Nội, Đà Nẵng? Đành rằng, về cơ sở pháp lý, với lợi thế “đi sau”, hoàn toàn có thể áp dụng ngay mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh chứ không cần phải thí điểm vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, mở ra cơ chế để Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện vấn đề này. Nhưng rõ ràng, việc 3 địa phương, trong cùng thời điểm cùng tổ chức mô hình chính quyền đô thị nhưng lại với hai tính chất khác nhau nơi phải thí điểm, nơi làm chính thức đã tạo ra nhiều băn khoăn. Việc này, lẽ ra đã có thể tránh được. Bởi khi thông qua Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã mở ra một cơ chế linh hoạt hơn cho việc tổ chức cấp chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do luật định. “Nếu chúng ta chủ động, có tầm nhìn, xác định trình Quốc hội xây dựng một luật về chính quyền đô thị thì chắc chắn những vấn đề xây dựng chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hoặc sắp tới có thể còn có các địa phương khác nữa sẽ chủ động hơn, bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền tốt hơn”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng khẳng định.

Một ví dụ “nóng hổi” khác cũng tại Kỳ họp thứ Mười là Chính phủ trình Quốc hội tách Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành hai dự án Luật gồm: dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Một trong những lý lẽ cơ bản đề xuất tách luật theo cơ quan trình là bởi tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến rất phức tạp, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này đáng báo động khi 10 năm gần đây, tai nạn giao thông đã làm thiệt mạng hơn 100 nghìn người, khiến hơn 300 nghìn người khác bị thương; nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân lái xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn… Đường bộ cũng là nơi diễn ra nhiều vấn đề phức tạp về hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, như: trộm, cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

Dẫu vậy, những lý lẽ trên đây đã không thuyết phục được đa số đại biểu Quốc hội bởi giao thông đường bộ là tổng hòa của 4 thành tố: kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Các thành tố này là một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời nhau. Việc tách nội dung về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi chỉnh thể của Luật Giao thông đường bộ sẽ dẫn đến tình trạng vừa chồng chéo, trùng dẫm lại vừa cắt khúc trong quản lý nhà nước. Tư duy xây dựng luật trong trường hợp cụ thể này, như nhận xét của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) là cơ quan đề xuất tách luật “không tin ai cả, chỉ có tin vào mỗi bản thân là làm tốt, còn các bộ khác là không làm tốt”.

Từ hai ví dụ cụ thể như vậy, quay trở lại với lo ngại của các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Hội nghị sáng qua, đúng là “tuổi thọ” của luật ngắn là do tầm nhìn, tính dự báo trong xây dựng luật còn hạn chế. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là, làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?

Với quy trình xây dựng luật hiện nay, nếu từng công đoạn được thực hiện nghiêm túc, thực chất, đặc biệt là công đoạn đánh giá tác động của chính sách và lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách..., thì chắc chắn, tính dự báo, tầm nhìn của các dự luật sẽ được nâng lên rất nhiều.

Cho đến nay, hầu hết dự luật trình Quốc hội vẫn do các bộ, ngành soạn thảo và Chính phủ trình. Và như vậy, sự bị động của Quốc hội trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng, bao gồm cả tính dự báo, tầm nhìn của các chính sách, điều luật là khó tránh khỏi.

Quốc hội dù muốn cũng không thể “ôm” phần việc của các bộ, ngành bởi xét đến cùng, chính các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật mới có nhu cầu và động lực để đề xuất xây dựng luật hoặc sửa đổi, bổ sung luật. Vì thế, để nâng "tuổi thọ" của luật, Quốc hội sẽ phải tiếp tục tăng cường hơn nữa năng lực lập pháp và các cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc xem xét, quyết định các dự luật. Đồng thời, cũng phải kiên quyết trả lại các dự luật không bảo đảm chất lượng và xác lập chế độ trách nhiệm cụ thể, công khai, minh bạch với cơ quan soạn thảo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo.

Nguyễn Bình