Thi hành kết quả hòa giải thành:

Tưởng dễ nhưng khó

- Chủ Nhật, 27/12/2020, 07:44 - Chia sẻ
Với cách thức mềm dẻo, linh hoạt, thân thiện, dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận giữa các đương sự, hòa giải thương mại đang mang lại khá nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Tuy nhiên, hoạt động hòa giải thương mại vẫn chưa được các bên ưu tiên lựa chọn áp dụng vì khả năng thi hành kết quả hòa giải thành chưa cao.

Nhiều lợi ích

Hiện nay, giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải ngày càng được ưa chuộng trên thế giới bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống là tòa án và trọng tài. Bởi, phương thức này đang mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên, kiểm soát được kết quả đầu ra, tăng khả năng tự nguyện thi hành, duy trì được quan hệ làm ăn giữa các bên và mức độ bảo mật thông tin cao. Đáng chú ý, trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì có thể lựa chọn đưa tranh chấp ra tòa án hay trọng tài mà không bị giới hạn.

	Khó thi hành kết quả hòa giải thành
Khó thi hành kết quả hòa giải thành
Nguồn: ITN

Có thể thấy, hoạt động hòa giải đang là công cụ quan trọng để hỗ trợ cho việc thúc đẩy môi trường kinh doanh và tăng cường phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, trong tranh chấp thương mại quốc tế, hòa giải được coi là giải pháp vượt qua các rào cản về văn hóa và quyền tài phán. Ở Việt Nam hòa giải thương mại đã được ghi nhận tại các văn bản luật như Chương 33 Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án; Luật Trọng tài Thương mại năm 2020, Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định chung về Hòa giải Thương mại tại Việt Nam.

Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam, Hòa giải viên VMC, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, phương thức giải quyết bằng hòa giải thương mại đang mang lại nhiều lợi ích cho các bên nhưng khả năng thi hành Văn bản thỏa thuận hòa giải thành mới là yếu tố mà luật sư, doanh nghiệp… quan tâm khi lựa chọn sử dụng phương thức hòa giải. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thi hành kết quả hòa giải thành sẽ được thực hiện theo các cơ chế gồm: Thi hành kết quả hòa giải thành như một hợp đồng theo quy định tại Điều 15, Nghị định 22/2017/NĐ-CP; Thi hành như quyết định của tòa án theo pháp luật về tố tụng dân sự và Luật thi hành án; Thi hành như phán quyết trọng tài trong nước theo pháp luật về trọng tài thương mại và Luật về thi hành án. 

Nhưng khó thi hành

Thực tế cho thấy, trong quá trình hòa giải thương mại, nếu các bên tranh chấp hòa giải thành về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp phát sinh, Hòa giải viên thương mại sẽ lập Văn bản về kết quả hòa giải thành. Để có kết quả hòa giải thành đều dựa trên sự thống nhất, tự nguyện của các bên nên khả năng thi hành kết quả hòa giải thành cao hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khả năng thi hành kết quả hòa giải thành đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Với cơ chế thi hành kết quả hòa giải thành như một hợp đồng theo quy định tại Điều 15, Nghị định 22/2017/NĐ-CP còn gặp nhiều vướng mắc. Bởi lẽ, việc thi hành kết quả hòa giải thành dựa trên nguyên tắc tự nguyện và hiệu lực thi hành đối với các bên ở đây mới chỉ có ý nghĩa là ràng buộc các bên như thỏa thuận hợp đồng. Trường hợp một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng như kết quả hòa giải thành thì bên còn lại cũng mới chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý như đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng khác và bên kia chưa thể yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành kết quả hòa giải thành.

Bên cạnh đó, khi các bên thực hiện cơ chế thi hành như quyết định của tòa án hoặc thi hành như phán quyết trọng tài kết quả hòa giải thành, trong trường hợp bên có nghĩa vụ thi hành nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì bên còn lại có thể yêu cầu cưỡng chế thi hành như bản án có hiệu lực của tòa án hay phán quyết trọng tài. Có thể thấy, việc áp dụng cơ chế nói trên sẽ giúp tăng khả năng thi hành kết quả hòa giải thành nhưng lại mất nhiều thời gian, tốn kém về mặt chi phí và tạo cơ hội cho bên phải thực hiện nghĩa vụ có thời gian để tẩu tán tài sản. 

Hòa giải mang tính chất tự nguyện, đề cao sự tự do thỏa thuận mà các bên tranh chấp có thể lựa chọn ngoài Tòa án; một phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba độc lập do các bên tranh chấp cùng chấp nhận hay chỉ định làm vai trò trung gian để hỗ trợ cho các bên nhằm tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết tranh chấp.

Hơn nữa, đối với cơ chế thi hành kết quả hòa giải thành nước ngoài tại Việt Nam thì hiện nay Việt Nam chưa gia nhập Công ước quốc tế về công nhận kết quả hòa giải thành được tiến hành bởi các trung tâm hòa giải ở nước ngoài. Chính vì lẽ đó, khả năng thi hành kết quả hòa giải thành của các trung tâm hòa giải ở nước ngoài đang được thực hiện theo cơ chế tự nguyên thi hành như hợp đồng, ghi nhận như phán quyết trọng tài, ghi nhận thành bản án của tòa án nước ngoài.

Thực tế cho thấy, cơ chế thi hành kết quả hòa giải thành của các trung tâm hòa giải nước ngoài ở Việt Nam hiện nay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi lẽ, với quy định hiện nay thì phán quyết của trọng tài ở nước ngoài có được công nhận theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hay không? Thêm vào đó, phán quyết trọng tài ghi nhận thỏa thuận hòa giải một phần tranh chấp của các bên có thỏa mãn được các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hay không? Đặc biệt, các căn cứ từ chối công nhận kết quả hòa giải thành cũng là vấn đề mà các bên cũng cần phải quan tâm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến khả năng thi hành kết quả hòa giải thành và phần nào làm ảnh hưởng quá trình gia nhập thị trường quốc tế của Việt Nam.

Nguyễn Ngân