Tương lai “Một vành đai, một con đường” ở Afghanistan

- Thứ Năm, 16/09/2021, 05:33 - Chia sẻ
Mới đây, Taliban cho biết Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng sau khi lực lượng này thành lập Chính phủ lâm thời Afghanistan, đồng thời cam kết viện trợ 15 triệu USD. Bắc Kinh dường như đang nhận thấy cơ hội thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI) trị giá hàng tỷ USD ở Afghanistan. Tuy nhiên, BRI có thực sự suôn sẻ trong mối quan hệ này?
Ông Abdul Salam Hanafi, Phó văn phòng chính trị của Taliban gặp gỡ các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại Kabul ngày 6.9
Nguồn: Reuters

Nghi ngại về an ninh

Theo The Diplomat, một loạt tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc gần đây cho thấy, nước này muốn xây dựng “liên minh thận trọng” với Taliban. Về phần mình, phía Taliban đã tuyên bố Trung Quốc là “đối tác chính” của Afghanistan. Theo các nhà phân tích, động thái chính của Bắc Kinh là để phục vụ cho các dự án mà Trung Quốc sẽ đầu tư ngày càng tăng ở Afghanistan trong khuôn khổ BRI, vốn là kế hoạch chính sách đối ngoại trọng tâm của đất nước nhằm tạo ra các liên kết cơ sở hạ tầng trên bộ và trên biển, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế trong và ngoài châu Á.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng hợp tác của Afghanistan trong dự án BRI. Rõ nhất là, tình hình an ninh ở Afghanistan sẽ cản trở khả năng đầu tư của Trung Quốc tại đây. Tuy Taliban tuyên bố công khai sẽ không can thiệp vào công việc của Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều nghi ngại về khả năng và sự sẵn sàng của chính quyền mới vốn chia rẽ trong việc quản lý các phong trào Hồi giáo thù địch với các quốc gia láng giềng, trong đó có Trung Quốc.

Đồng thời, phản ứng của người dân trước sự cầm quyền của Taliban - cả bằng hình thức biểu tình đường phố và các hoạt động quân sự của Mặt trận Kháng chiến quốc gia do thủ lĩnh Ahmad Masood lãnh đạo - sẽ là lời cảnh báo thêm đối với Trung Quốc. Thực tế, nhiều nhóm khác nhau đã nhắm vào các nhân viên Trung Quốc ở Pakistan trong những tháng gần đây. Vì thế, các sự cố tương tự ở Afghanistan có thể khiến “liên minh thận trọng” với Taliban bị giám sát chặt chẽ hơn ở chính Trung Quốc.

Thế khó từ ngoại giao không chính thức

Điều quan trọng nữa là phải vượt ra ngoài phạm vi quan hệ song phương và ngoại giao chính thức để hiểu những khó khăn mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt khi thực hiện BRI ở Afghanistan. Những hiểu biết về các mối quan hệ của Afghanistan với các nước láng giềng, đặc biệt là các quốc gia có tham vọng địa chính trị mở rộng, cũng đòi hỏi sự công nhận vai trò của các hình thức ngoại giao không chính thức. Người dân Afghanistan cư trú bên ngoài biên giới lãnh thổ của đất nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đóng góp một cách không chính thức vào các mối quan hệ của Afghanistan với các nước láng giềng.

Các cộng đồng người Afghanistan trong khu vực là một hỗn hợp phức tạp, nhiều tầng lớp gồm những người lưu vong, thương nhân và người di cư lao động. Chẳng hạn, hàng triệu người Afghanistan đã sống ở Iran và Pakistan trong suốt nhiều thế hệ. Ở đây, nhiều cộng đồng người Afghanistan đã thành lập các doanh nghiệp bền vững, cũng như các mối quan hệ xã hội, chính trị và văn hóa lâu đời, ngay cả khi nhiều người không có quyền công dân hoặc thậm chí là quyền cư trú ổn định. Nhiều người Afghanistan sống ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, bao gồm các nước cộng hòa mà người Hồi giáo chiếm đa số ở Trung Á, cũng như Nga và Ukraine, cũng tạo thành các cộng đồng lớn.

Người Afghanistan trên khắp các khu vực này tỏ ra đặc biệt tích cực trong thương mại. Bên cạnh đó, họ cũng thành lập các hiệp hội chính trị và văn hóa sôi động, và thông qua đó tổ chức các sự kiện cũng như tương tác với chính quyền địa phương và quốc gia. Các tổ chức xã hội này đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin bản chất của cuộc tranh luận ở Âu - Á về Afghanistan, cho phép các quốc gia trong khu vực bắt kịp với những động lực đang thay đổi của Afghanistan sau này. Các quy trình tương tự cũng có ở nhiều nơi khác, đáng chú ý nhất là ở các quốc gia vùng Vịnh (đặc biệt là UAE và Ảrập Xêút) hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quốc gia trong khu vực lân cận của Afghanistan sử dụng một loạt hình thức quyền lực “mềm” và “cứng” ở Afghanistan bằng cách tương tác với các cộng đồng người Afghanistan. Trong khi đó, vị trí của Trung Quốc lại có sự khác biệt quan trọng so với các quốc gia lân cận của Afghanistan. Trong lịch sử, Trung Quốc không chấp nhận người tị nạn từ Afghanistan. Phần lớn trong số vài nghìn người Afghanistan sống ở Trung Quốc cư trú tại đây bằng thị thực ngắn hạn, từ 1 - 5 năm. Các gia đình của thương nhân Afghanistan có trụ sở tại Trung Quốc hầu hết sống ở Afghanistan hoặc ở các nước khác trong khu vực (đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ), nơi mà thị thực và giấy phép cư trú (dành cho doanh nhân giàu có) tương đối dễ kiếm hơn.

Tính thiếu chắc chắn về địa vị pháp lý trong tương lai của người Afghanistan ở Trung Quốc, cùng với những khó khăn mà họ phải đối mặt trong việc thiết lập các tổ chức xã hội như các hiệp hội văn hóa, chính trị ở đất nước gấu trúc khiến cho phạm vi để người Afghanistan ở Trung Quốc đóng vai trò ngoại giao không chính thức bị thu hẹp đáng kể so với những nơi khác trong khu vực. Ở nhiều nơi khác, BRI đã trao quyền cho các công ty xuyên quốc gia lớn và hạn chế các cộng đồng thương mại quy mô nhỏ hơn. Bên cạnh đó, tình thế mong manh của nhà nước Afghanistan do Taliban lãnh đạo và tầm quan trọng của các thể chế phi chính thức đối với nền kinh tế của đất nước, cho thấy đầu tư thành công của Trung Quốc vào nước này sẽ phụ thuộc đáng kể vào vai trò trung gian của các thương nhân và doanh nhân Afghanistan.

Ngoài yếu tố ngoại giao liên quan đến dòng đầu tư của Trung Quốc vào Afghanistan thông qua BRI, còn là một thực tế không chắc chắn và khó khăn hơn nhiều. Bất ổn chính trị, sự hiện diện liên tục của các tổ chức chiến binh Hồi giáo theo đuổi các mục tiêu xuyên quốc gia, những yếu kém trong các mối quan hệ xã hội từ trước lẫn mối quan hệ tin cậy giữa hai nước là một loạt vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong thời gian tới.

Linh Anh