Tuyên Quang kiên quyết chống bệnh thành tích trong giáo dục

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 16:34 - Chia sẻ
​​​​​​​“Chúng tôi đang kiên quyết chống bệnh thành tích trong giáo dục - đào tạo, thực hiện theo phương châm học thật, thi thật, chất lượng thật. Năm học này, chúng tôi yêu cầu tất cả giáo viên ký cam kết chống bệnh thành tích, không có thành tích ảo, với mục tiêu nâng cao chất lượng với giáo dục đại trà” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang Vũ Đình Hưng khẳng định trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với tỉnh Tuyên Quang sáng 8.10.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Thiếu hơn 4.000 giáo viên, tỷ lệ phòng học kiên cố chỉ đạt 56% 

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 1.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) và Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 15.1.2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chất lượng giáo dục và đào tạo của Tuyên Quang có chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học từ 98,5% trở lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS từ 98,2% trở lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT từ 90% trở lên; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt mục tiêu đề ra. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố và phát triển; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng cao; các trường học, nhất là mầm non và tiểu học được sắp xếp lại hợp lý; cơ sở vật chất được đầu tư. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cấp, mở rộng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Về quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 474 trường mầm non, phổ thông, trong đó 152 trường mầm non, 136 trường tiểu học, 155 trường THCS (25 trường liên cấp Tiểu học và THCS), 31 trường THPT (2 trường liên cấp THCS - THPT; 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh; 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện). Toàn tỉnh có 7.585 lớp với 221.315 học sinh mầm non, phổ thông.

Về trình độ và năng lực của đội ngũ nhà giáo, giai đoạn 2016 - 2020, đội ngũ nhà giáo được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Trình độ đào tạo của giáo viên theo Luật Giáo dục 2005: 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo; trình độ đào tạo trên chuẩn của giáo viên cao hơn so với thời điểm năm 2015, đặc biệt là ở cấp học mầm non và tiểu học (mầm non tăng từ 20,7% lên 83,5%; tiểu học tăng từ 27,9% lên 64,0%; THCS tăng từ 30,2% lên 71,6%; THPT từ 6,4% lên 14,0%). Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục năm 2019, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên mầm non chỉ đạt 83,5%; tiểu học 36%; THCS 71,6%; THPT 100%. Hiện nay, tỉnh thiếu hơn 4.000 giáo viên, nếu tính cả nhân viên thì thiếu hơn 5.000 người. Đây là khó khăn lớn với ngành giáo dục - đào tạo Tuyên Quang, cũng là băn khoăn của nhiều thành viên Đoàn giám sát.

Về cơ sở vật chất, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động các nguồn vốn đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã đầu tư xây dựng phòng học, phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ, nhà vệ sinh, trang thiết bị cho các trường học trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ phòng học kiên cố các cấp học đạt 56% vào năm 2020...

Ảnh: Buổi làm việc diễn ra theo hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu: Nhà Quốc hội (Hà Nội) và Tuyên Quang
Buổi làm việc diễn ra theo hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội) và Tuyên Quang

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày (9 - 10 buổi/tuần) còn thấp, hiện chỉ đạt 48,2%, thấp hơn 13,8% so với tỷ lệ trung bình của cả nước (62%); còn 1,2% học sinh tiểu học lớp 3, lớp 4 chưa được học tiếng Anh. Chất lượng giáo dục tiểu học đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn thấp. Chất lượng giáo dục đại trà chưa ổn định, không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh...

Nhiều chính sách nâng cao chất lượng giáo dục bền vững

Trước những khó khăn, tồn tại hiện nay về cơ sở vật chất, đội ngũ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang Vũ Đình Hưng cho biết, giải pháp được tỉnh ưu tiên hàng đầu là xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù của địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

Thực tế tại Tuyên Quang cho thấy, trường phổ thông dân tộc nội trú bán trú có chất lượng tốt hơn trường thường
Ảnh: TTXVN

Các chính sách được ông Vũ Đình Hưng nêu ra gồm: Thứ nhất, có chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, viên chức đi học nâng cao trình độ; chính sách hỗ trợ học sinh giỏi theo học trường sư phạm, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành giáo dục. Tỉnh cũng đang xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển giáo dục phổ thông ngoài công lập; cơ chế hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học vùng KT - XH đặc biệt khó khăn...

Thứ hai, nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện tốt công tác phân luồng.

Thứ ba, lên kế hoạch phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, theo đó sẽ mở rộng bổ sung 3 trường nội trú liên cấp THCS - THPT, mở rộng 25 trường bán trú, để nâng cao chất lượng giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn.

Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ, sắp xếp tuyển dụng giáo viên nhân viên đủ về số lượng (theo kế hoạch được giao) và hợp lý về cơ cấu. Tích cực sắp xếp các điểm trường lẻ, vừa nâng cao chất lượng và giảm áp lực đội ngũ.

Thứ năm, đổi mới công tác quản lý giáo dục và tăng cường quản lý chất lượng. Sở đã đặt hàng, giao nhiệm vụ cho hiệu trưởng các trường về công tác chuyên môn, như giao đột phá nâng cao chất lượng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT so với mặt bằng chung cả nước, sau 2 năm, Tuyên Quang từ thứ hạng 50 đã lên thứ 31. Tham mưu cho UBND thực hiện thi hiệu trưởng các trường, qua 2 năm đã phát huy hiệu quả tích cực. Theo kế hoạch từ nay đến 2025, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn đều qua thi tuyển...

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Tuyên Quang đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo, coi đây là khâu then chốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đoàn giám sát đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy, mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương và bảo đảm quyền lợi người học; bố trí, sử dụng hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, trước hết đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; tiếp tục quan tâm đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm về số lượng, chất lượng; chú trọng cộng tác phân luồng, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế địa phương...

Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động giáo dục bảo đảm kế hoạch năm học, chất lượng giáo dục; phương thức dạy học phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngọc Phương