Tuyên truyền đồng bộ, lồng ghép nhiều nội dung hiệu quả

- Thứ Tư, 09/12/2020, 10:58 - Chia sẻ
Tại phiên chất vấn chiều 8.12, ĐB Nguyễn Thanh Bình (tổ ĐB Sóc Sơn) gửi câu hỏi đến các cơ quan báo chí về vai trò của các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền các 2 quy tắc ứng xử. Trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cụ thể là Đài PT-TH Hà Nội, báo Hà Nội mới, báo Kinh tế & Đô thị đối với công tác tuyên truyền để góp phần đưa các nội dung của quy tắc ứng xử đến người dân Thủ đô? Đồng thời đề ra những giải pháp trong thời gian tới?

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 2 bộ quy tắc ứng xử

Trả lời câu hỏi chất vấn về thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức khẳng định, ban lãnh đạo Báo luôn xác định tập thể CBCCVC, người lao động phải luôn thực hiện tốt quy tắc ứng xử ngay tại cơ quan. Chính và vậy ngay khi TP ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ, Báo đã thực hiện cho treo bộ quy tắc này ngay tại sảnh cơ quan và mọi phòng, ban; tổ chức quán triệt cho mọi cán bộ, phóng viên, người lao động.

Đến nay sau 3 năm thực hiện, cán bộ công chức, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Báo cơ bản không vi phạm quy tắc ứng xử này đặc biệt không vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí. Ngoài ra, Báo đã xây dựng kế hoạch cùng các cơ quan báo chí khác triển khai công tác tuyên truyền thực hiện 2 bộ quy tắc này.

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức

“Chúng tôi quan niệm để thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử này, có 2 nguyên tắc “xây” và “chống”. “Xây” là tôn vinh những nét đẹp ở nơi công sở và ngoài đường phố; “chống” là đấu tranh với những thói hư tật xấu, hành vi lệch lạc tại cơ quan, nơi công cộng. Cụ thể với Báo Kinh tế & Đô thị, cán bộ, phóng viên có những thời điểm đi “săn” những hiện tượng người dân vào chùa chiền ăn mặc hở hang, từ đó thực hiện phóng sự ảnh; hoặc thường xuyên có phóng sự ảnh phản ánh tình trạng vi phạm trật tự TTATGT, TTĐT, môi trường, rác thải, lấn chiếm vỉa hè… Qua thực hiện xây và chống, thực sự đã có nhiều chuyển biến trong thực hiện 2 quy tắc ứng xử này, kể cả ở nơi công sở và đường phố - cần đánh giá xác đáng như vậy.

Riêng đối với việc thực hiện quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ tại các cơ quan TP, tôi đánh giá cao Sở Nội vụ hằng năm triển khai trên 100 cuộc thanh tra công vụ, trong đó phóng viên các cơ quan báo chí như Báo Kinh tế & Đô thị được tham gia, từ đó kịp thời phản ánh đầy đủ việc làm được hay chưa làm được, vi phạm tại các cơ quan đơn vị từ cấp xã phường đến quận huyện, tạo tác động rất tích cực. Sau những bài báo đăng, bản thân các cơ quan đơn vị bị lên án cảm thấy phải tiếp nhận để sửa sai; các cơ quan khác nhìn vào đó để không vi phạm. Thông tin thêm về kết quả thực hiện tại Báo Kinh tế & Đô thị, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức cho hay, mỗi năm Báo thực hiện 200-300 tin bài trên các ấn phẩm, qua đó có hàng trăm công văn của TP, các sở, ngành nhất là của Ban Tuyên giáo Thành ủy để chấn chỉnh hành vi lệch lạc, vi phạm 2 bộ quy tắc ứng xử này.

“Tôi đề nghị các sở ngành tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong tác nghiệp, giám sát việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử này; bổ sung quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào bộ quy tắc này. Cùng đó, mặc dù người Thủ đô đã thấm nhuần thực hiện tốt, nhưng người dân ngoại thành và tỉnh thành khác vào Hà Nội sinh sống, học tập là những đối tượng cần tăng tuyên truyền để thực hiện 2 quy tắc ứng xử này” - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đề nghị 

 

Phối hợp hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố 

Trả lời chất vấn, Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội Tô Quang Phán cho rằng báo chí Thủ đô đã vào cuộc ngay từ rất sớm khi thực hiện 2 Quy tắc ứng xử. Riêng đối với Đài PT-TH Hà Nội, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền đồng bộ, lồng ghép và rất cụ thể, gần gũi với cán bộ và người dân. Đó là các chuyên mục Hà Nội góc nhìn, Hà Nội đẹp và chưa đẹp, Hà Nội của chúng ta, Văn hóa sống, Người quanh ta, Xóm hóm,…Báo chí Hà Nội nói chung thực hiện tốt. Báo chí cũng phối hợp với các cơ quan chức năng từ những hình thức đơn giản nhất.

“Báo chí Hà Nội cùng với đại diện của HĐND TP cũng thường xuyên bí mật đi kiểm tra ở xã phường, đặc biệt là cư xử của cán bộ với dân trong công tác hành chính. Tôi cho rằng sự phối hợp trong giám sát của HĐND với báo chí là một cách làm tốt” – ông Tô Quang Phán nói.

Ngoài tuyên truyền, hàng năm Hội Nhà báo TP đã tham gia các giải báo chí như Người tốt việc tốt; Giải báo chí Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; tập trung nhân lên những điển hình tiên tiến nhằm lan tỏa trong xã hội…Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội cho biết, báo chí Hà Nội sẽ tiếp tục cải tiến, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, áp dụng những công nghệ mới để tuyên truyền hiệu quả 2 Quy tắc ứng xử.

P.Long (Huỳnh Phi Long)