Tuyệt đối không chủ quan

- Thứ Năm, 16/09/2021, 10:09 - Chia sẻ
Sau chuỗi ngày nỗ lực không mệt mỏi, nhiều địa phương đã bắt đầu mở cửa trở lại, từng bước chuyển sang trạng thái "bình thường mới".

Đó là việc TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm cho quận 7 mở cửa với 150 loại hình sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại. Các huyện Củ Chi, Cần Giờ sẽ thí điểm "thẻ xanh vaccine" để quản lý hoạt động dân sinh trên tiêu chí an toàn về phòng dịch... TP. Hà Nội cũng đã quyết định cho phép một số loại hình dịch vụ ở một số địa bàn hoạt động trở lại. Tỉnh Bình Dương thì thông báo đã cơ bản kiểm soát được dịch và đang cân nhắc mở cửa kinh tế - xã hội từng bước, thử nghiệm ở "vùng xanh" trước trong khi tiếp tục dập dịch ở "vùng đỏ". Từ 15.9, những người có "thẻ xanh vaccine" sẽ được di chuyển trong huyện "vùng xanh" và sau 20.9 có thể đi lại toàn tỉnh.

Với Đà Nẵng, từ 15.9, thành phố tiếp tục cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16" sau một tháng "ở yên trong nhà" và qua 7 lần xét nghiệm toàn dân. Một nửa xã, phường trên địa bàn thành phố là "vùng xanh" khi 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới. Tại "vùng vàng", thành phố sẽ khôi phục hoạt động một số dịch vụ xây dựng, kỹ thuật, sửa chữa điện nước dân sinh. Cơ quan, công sở được hoạt động tối đa 70% nhân viên. Người dân được đi mua lương thực phẩm, hàng thiết yếu 5 ngày một lần. Các hoạt động kinh doanh, dân sinh của người ở "vùng xanh" tương tự như "vùng vàng", song nới lỏng hơn.

Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng nới lỏng biện pháp chống dịch. Như TP. Hải Phòng mở cửa vườn hoa, công viên, dịch vụ ăn uống hè phố và trong nhà song giới hạn số khách, giờ hoạt động. Thanh Hóa mở lại điểm du lịch nhưng không quá 50% công suất và chỉ đón khách nội tỉnh. Hà Giang khôi phục hoạt động phòng tập yoga, gym, quán Internet; dịch vụ massage, xông hơi với điều kiện nhân viên tiêm vaccine đủ hai mũi và xét nghiệm 7 ngày một lần. Trước đó, các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La cũng từng bước khôi phục các hoạt động kinh doanh, dân sinh.

Đây là bước đi cần thiết bởi điều quan trọng là không nên và không thể giãn cách mãi. Vậy nhưng, để việc mở cửa an toàn và bền vững, cần tuyệt đối tránh hai khuynh hướng lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu, khi đã giãn cách trong thời gian và chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dẫn chứng cụ thể cho việc này là ngày 13.9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã làm việc, kiểm tra công tác phòng chống dịch theo hình thức trực tuyến tại các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang. Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt đã đặt câu hỏi về số ca mắc trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm? Chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày? Những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn theo các công điện của Thủ tướng hay chưa với lãnh đạo các tỉnh, trong đó có Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, lãnh đạo một số phường của thành phố Rạch Giá và thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. Đáng tiếc lãnh đạo địa phương đã rất lúng túng, không trả lời được câu hỏi của Thủ tướng.

Trong bối cảnh hiện nay và với diễn biến dịch bệnh ở địa phương, đây là điều khó chấp nhận bởi việc chống dịch khẩn trương, gấp gáp đến từng phút, từng giờ, trong khi mà lãnh đạo tỉnh không nắm được những thông tin cơ bản nhất - vậy trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu? Hiệu quả chống dịch như thế nào?

Cần nhấn mạnh rằng, Thủ tướng đã từng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương rằng phải nắm rất chắc các số liệu để chỉ huy phòng chống dịch hiệu quả. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không phải chi hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và nhiều thứ khác. Vậy nên, các địa phương phải nắm chắc tình hình, tuyệt đối không chủ quan, qua loa, đại khái...

Khương Ninh