Hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19

Tuyệt đối không phát sinh thủ tục

- Thứ Năm, 29/07/2021, 07:08 - Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-NHNN ngày 21.7.2021 quy định về tái cấp vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
	Người sử dụng lao động, người lao động nhanh chóng tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ
Người sử dụng lao động, người lao động nhanh chóng tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ

Gỡ khó cho người sử dụng lao động

Cụ thể về việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất được quy định tại Điều 41, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nêu rõ nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo quy định là nguồn vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, không có tài sản bảo đảm, lãi suất 0%/năm từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến hết ngày 31.3.2022 hoặc khi giải ngân hết nguồn tái cấp vốn tùy điều kiện nào đến trước.

Điều kiện vay với khách hàng phải tạm dừng hoạt động vay trả lương cho người lao động để phục hồi sản xuất là: Phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ 1.5.2021 đến 31.3.2022. Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh; Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn. Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh yêu cầu: Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn, không có nợ xấu, có phương án phục hồi kinh doanh. Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5, 6, 7 năm 2021 được thực hiện 1 lần, thời hạn giải ngân hết ngày 5.4.2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng.

Nhanh chóng triển khai

Sau khi Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư triển khai gói tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc người lao động, đã có doanh nghiệp được vay tiền với lãi suất 0% thời hạn 12 tháng.

Theo đó, Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn được giải ngân 92,6 triệu đồng để trả lương cho 9 lao động, lãi suất cho vay 0%, thời hạn vay là 12 tháng và không cần tài sản đảm bảo. Tính đến ngày 21.7.2021, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận hồ sơ của 17 đơn vị có nhu cầu vay vốn chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất. Trong đó, số lao động phải ngừng việc là 213 người, số tiền đề nghị vay vốn là 1.754 triệu đồng.

Hiện Ngân hàng Chính sách nhiều địa phương khác cũng đang cấp tập triển khai gói vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất này. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã tiếp cận hơn 1.000 doanh nghiệp, tuyên truyền về nội dung Nghị quyết 68 và khảo sát nhu cầu vay vốn. Có 18 doanh nghiệp đăng ký vay gần 6 tỷ đồng…Theo Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.  

Cùng với đó, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh yêu cầu về việc khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định số 23/2021-QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương báo cáo UBND tỉnh, thành phố các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, phân công, theo dõi nắm bắt, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sớm lập hồ sơ để được giải quyết việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định số 23; không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần.

__________________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Văn Anh