Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

- Thứ Hai, 06/12/2021, 05:51 - Chia sẻ
Việc tiếp thu có chọn lọc các công nghệ của thế giới nói chung và Israel nói riêng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế, thích nghi với sự biến đổi của khí hậu và nhu cầu, thị hiếu của người dùng, xây dựng tốt thị trường xuất khẩu, ổn định bền vững thị trường trong nước.

Ứng dụng có chọn lọc công nghệ thế giới

Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2025 hình thành 98 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh với quy mô gần 19.000 ha, bình quân khoảng 200ha/vùng. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt có 92 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 18,8 nghìn héc ta; lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có 6 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với quy mô 140ha (23,3ha/vùng).

Các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng đa dạng công nghệ cao như sử dụng giống mới; ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; ứng dụng khoa học, kỹ thuật để sản xuất đạt các tiêu chuẩn quốc tế; đưa máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất... Ngoài ra, trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có gần 90% tổng đàn lợn và tổng đàn gia cầm chăn nuôi trang trại có quy mô công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng lạnh, tự động hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất; quản lý hoạt động chăn nuôi bằng các phần mềm hiện đại...

Năm 2020, tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Việc tiếp thu có chọn lọc các công nghệ của thế giới nói chung và Israel nói riêng phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế, thích nghi với sự biến đổi của khí hậu, tình trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp và nhu cầu, thị hiếu của người dùng, xây dựng tốt thị trường xuất khẩu, ổn định bền vững thị trường trong nước.

Theo Giám đốc Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A (TP. Hồ Chí Minh) Mai Thị Hải Hương, đơn vị tư vấn Đề án cho biết, “mục tiêu chung của Đề án là ứng dụng một cách chọn lọc các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao của Israel vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; đáp ứng các yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước, xuất khẩu và nguyên liệu cho ngành chế biến. Xây dựng, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên cơ sở khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, góp phần nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn”.

Đặt mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn

Giám đốc Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A Mai Thị Hải Hương nhận định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải huy động sự tham gia của các lực lượng nghiên cứu, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, công nghệ trong tỉnh. Ngoài ra, nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Israel phải áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, phù hợp với xu thế thay đổi cơ cấu lao động trong các thành phần kinh tế. Xây dựng chuỗi giá trị khép kín cho từng loại sản phẩm từ khâu giống đến tiêu thụ; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Cũng theo bà Hương, đề án đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn 2020 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030. Kết quả đến năm 2030, Đồng Nai hình thành được các vùng tập trung chuyên canh cây ăn trái chủ lực phục vụ xuất khẩu, các loại sản phẩm cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Tỷ lệ diện tích cây trồng được áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt khoảng 95%, gieo trồng đạt khoảng 62%; khâu chăm sóc đạt khoảng 70%; ứng dụng công nghệ cao một phần hoặc toàn bộ các công đoạn trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% giá trị toàn ngành nông nghiệp; 100% lao động trong các trang trại, hợp tác xã được tập huấn, bồi dưỡng ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng được đội ngũ nhân sự, chuyên gia nông nghiệp, lực lượng được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu sản xuất, canh tác nông nghiệp công nghệ cao, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ trọng giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết là 70%; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 70%; tỷ lệ các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đạt 90%.

Trồng trọt là lĩnh vực then chốt của tỉnh Đồng Nai cần tập trung phát triển ứng dụng công nghệ cao

Nguồn: ITN 

Trồng trọt là lĩnh vực then chốt

Theo ông Hà Duy Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A, Israel là đất nước sa mạc nhưng lại có nền nông nghiệp rất phát triển, chiếm thị phần xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính, rất đáng được học tập. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường khó tính, cụ thể là châu Âu. Họ có thế mạnh về làm trái vụ cũng như thế mạnh về nghiên cứu nên họ tạo ra những giống mới có chất lượng cao, được thị trường thế giới ưa chuộng.

Ông Bình dẫn chứng, ví dụ Israel đã nghiên cứu ra giống bơ Hass, hiện 80% sản lượng bơ trên thị trường xuất khẩu là giống bơ này. Các chuyên gia nông nghiệp Israel qua Việt Nam sẵn sàng cùng nông dân trồng ra sản phẩm bơ Hass đạt chất lượng xuất khẩu. Đề án sẽ chuyển giao cho nông dân Đồng Nai những công nghệ cao của Israel từ khâu giống đến quy trình canh tác, đào tạo kinh nghiệm về thị trường.

Những công nghệ Israel được áp dụng trong Đề án gồm công nghệ nhà lưới, tưới tiết kiệm, bón phân tự động, điều khiển tự động, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tự động hóa trong bảo quản…  

Đề án định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Về chăn nuôi, Đề án ưu tiên phát triển 2 loại vật nuôi chủ lực của tỉnh là lợn và gà theo hướng chăn nuôi trang trại và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về thủy sản, phát triển các loại hình nuôi trên các vùng sinh thái, đa dạng hóa các đối tượng nuôi như nuôi nước ngọt, nước lợ. Phát triển ngành nuôi thủy sản theo chiều sâu, hình thành các vùng nuôi với các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh theo quy mô công nghiệp..

Trong đó, trồng trọt là lĩnh vực then chốt cần tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt để làm tăng năng suất, chất lượng, giảm nguy cơ về dịch bệnh; giảm lực lượng lao động trực tiếp; giảm thất thoát, hư hao trong khâu thu hoạch, vận chuyển. Các sản phẩm trong trồng trọt phải hướng tới đạt các tiêu chuẩn, xây dựng được thương hiệu riêng nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.

Sở NN-PTNT Đồng Nai thông tin, tỉnh có lợi thế phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp với diện tích lớn, nhiều cây ăn quả chủ lực có lợi thế xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt sẽ đặc biệt chú ý việc chọn lọc, nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng truyền thống, đặc sản của địa phương bên cạnh việc lai tạo, khảo nghiệm các giống mới của thế giới trên địa bàn tỉnh.

Tâm Anh