Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 3, Hội nghị ASEP - 11:

Ứng dụng công nghệ cao trong trữ nước, cấp nước và tưới nước

- Thứ Ba, 16/11/2021, 21:00 - Chia sẻ
Tối 16.11, trong khuôn khổ Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 11 (ASEP - 11), tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 3 với chủ đề “Giải quyết Mối quan hệ về An ninh Lương thực - Năng lượng - Nước trong điều kiện khí hậu thay đổi ”.
	Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học,Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 3
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học,Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 3
Ảnh: Hoàng Ngọc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác Quốc tế, Thông tin và Truyền thông, Quốc hội Campuchia Suos Yara và Thành viên Ủy ban về ngăn chặn và giám sát tham nhũng của Hạ viện Thái Lan Issara Sereewatthanavut đồng chủ trì Phiên họp.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia Phiên thảo luận có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến; Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu đã đánh giá mối liên hệ giữa nguồn nước – năng lượng – an ninh lương thực, những vấn đề thách thức đặt ra về thiếu hụt và tranh chấp, lợi ích và đề xuất các giải pháp.

Phát biểu tham luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nêu rõ, theo nghiên cứu của các chuyên gia, mối quan hệ nước, năng lượng và lương thực luôn có sự tương tác chặt chẽ, không thể tách rời. Nếu không có nguồn nước thì không có nước tưới cho cây trồng, không có nguồn năng lượng được tạo ra từ các nhà máy thủy điện. Theo dự báo đến năm 2030, con người trên trái đất sẽ cần thêm 40% nhu cầu về năng lượng, 50% nhu cầu thực phẩm và 30% nhu cầu nước.

Nhấn mạnh ở Việt Nam có 4 thách thức đang đặt ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, Việt Nam có tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số vùng miền do lưu lượng nước chảy về ít, do lượng mưa phân bố không đều, do hạn hán hoặc xâm nhập mặn hoặc do ô nhiễm nguồn nước. Ở một số địa bàn bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn thì mạng lưới thủy lợi chưa tới thì cũng có tình trạng thiếu nước cho sản xuất lương thực.

Lượng nước trên các sông suối đang có xu hướng giảm mạnh do suy giảm thảm phủ thực vật, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Trữ lượng nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Việt Nam là quốc gia nằm ở cuối nguồn của nhiều dòng sông lớn như sông Hồng, sông Mê Kông, khoảng 63% lượng nước của Việt Nam xuất phát từ các sông liên quốc gia chảy vào, chỉ có 37% sản sinh trên lãnh thổ.

toàn cảnh Phiên họp thảo luận trực tuyến chuyên đề 3
Toàn cảnh Phiên họp thảo luận trực tuyến chuyên đề 3
Ảnh: Hoàng Ngọc

Cùng với đó, năng lực tưới của hệ thống thủy lợi của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng cho 36,5% diện tích đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. 

Hai thách thức nữa, đó là nguy cơ thiếu nước cho sản xuất điện; biến đổi khí hậu làm gia tăng các tình trạng thời tiết cực đoan, hiện tượng hạn hán, kéo theo tình trạng thiếu nước, hạ thấp mức nước ở các sông ảnh hưởng đến hoạt động của các công trình thủy lợi.

Để giải quyết mối quan hệ về nguồn nước - năng lượng - an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất các giải pháp, như cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế, trong đó bao quát các mối tương quan về nước, năng lượng và an ninh lương thực. Thực hiện tốt các giải pháp về phát triển thủy lợi, năng lượng thủy điện, an ninh lương thực quốc gia, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong trữ nước, cấp nước và tưới nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tương ứng với khả năng cấp nước. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy. Tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hợp tác quốc tế giữa các nước về tài nguyên nước, sản xuất năng lượng và an ninh lương thực…

Hoàng Ngọc