Ứng dụng công nghệ mới

- Thứ Tư, 12/09/2018, 07:38 - Chia sẻ
Ngành KTTV có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT - XH, củng cố quốc phòng - an ninh, đặc biệt, trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đầu tư cho ngành KTTV cần đi trước một bước và phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa. Giải pháp chủ yếu là lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Với sự phát triển của xã hội ngày nay, việc dự báo thời tiết đón đầu những vận động của thiên nhiên phục vụ cho đời sống cộng đồng khiến công tác KTTV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người và tài sản. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia mà ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng thì nhu cầu về thông tin thời tiết, về sự thay đổi mùa, càng cần thiết hơn bao giờ hết. Để hạn chế những tác động này, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã không ngừng đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu các lĩnh vực khí tượng thủy văn, thời tiết. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu, ứng dụng và giám sát, theo dõi những biến động của thời tiết khí hậu, giới nghiên cứu khoa học khí tượng trên thế giới đã tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho đời sống dân sinh góp phần giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra. Chất lượng dự báo của nước ta đã từng bước nâng lên và dần tiệm cận với các nước phát triển. Ngành KTTV của Việt Nam đang tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đã và đang xây dựng mạng lưới ra đa, cảnh báo dông sét, gia tăng mạng lưới quan trắc và tỷ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp… là những công nghệ giúp dự báo tốt hơn.


Kiểm tra kỹ thuật trạm bức xạ tự động 

Mạng lưới trạm quan trắc KTTV đã có bước phát triển đột phá cả về số lượng và công nghệ. Từ gần 500 trạm KTTV vào đầu năm 2002, sau 15 năm, đã phát triển trên 1.400 trạm, điểm đo. Trong đó, có 354 trạm thủy văn, 194 trạm khí tượng, 27 trạm khí tượng nông nghiệp, 24 trạm khí tượng thủy văn biển, 91 điểm quan trắc xâm nhập mặn vùng cửa sông, 7 trạm ra đa thời tiết, 6 trạm vô tuyến thám không hiện đại, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 2 trạm thu ảnh vệ tinh phân giải cao, 475/755 điểm đo mưa là trạm tự động hóa.

Các công trình đo đạc, nhà quan trắc của các trạm đã được kiên cố hóa. Máy móc, thiết bị đo đạc lạc hậu, thủ công đã dần được thay thế bằng các thiết bị hiện đại, tự động và bán tự động. Công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV không ngừng được đổi mới, phát triển. Được sự đầu tư của Nhà nước, công nghệ dự báo số đã được nghiên cứu và triển khai ứng dụng nghiệp vụ tại Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương và một số Đài KTTV khu vực. Một số mô hình khu vực phân giải cao như mô hình HRM của Đức, WRF của Mỹ, ECMWF của châu Âu… cùng với các hệ thống dự báo tổ hợp hạn ngắn và hạn vừa đã và đang được vận hành hiệu quả tại Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương.

Với việc ứng dụng hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị, các đơn vị dự báo nghiệp vụ trực thuộc Trung tâm KTTV Quốc gia đã dự báo tới các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố. Bản tin dự báo KTTV đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn và từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, không khí lạnh. Việc tăng cường các bản tin dự báo KTTV biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.

Các ứng dụng công nghệ mới trong dự báo KTTV đã góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ. đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60 - 72 giờ, cảnh báo trước 48 - 72 giờ các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại. Nâng chất lượng dự báo thời tiết hàng ngày, đảm bảo đạt độ tin cậy 80 - 85%. Tăng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á; tăng thời hạn dự báo, cảnh báo lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2 - 3 ngày, ở Trung Bộ lên đến 2 ngày, ở Nam Bộ lên đến 10 ngày với độ tin cậy 80 - 85%; nâng cao chất lượng dự báo KTTV 10 ngày, 1 tháng, mùa cho các khu vực trong cả nước.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn đó là mạng lưới quan trắc còn thưa, chỉ đạt mật độ 20 - 30% mật độ so với khu vực, khoảng 50% trạm tự động, còn nhiều trạm đo thủ công. Nguồn lực đầu tư cho mạng lưới quan trắc, truyền tin, dự báo còn hạn chế. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, chi tiết hóa các dự báo điểm… Đây là hành động cần sự chung tay của các bộ ngành, địa phương để làm sao đưa ra các bản tin gần thực tế, dễ sử dụng hơn.

Minh Ngọc