Ninh Bình:

Ứng dụng công nghệ số vào tiêu thụ nông sản

- Thứ Năm, 28/10/2021, 07:20 - Chia sẻ
Với việc đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang từng bước thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, việc thay đổi phương thức kinh doanh từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng của HTX, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ tăng đáng kể.
		Mô hình nuôi tảo xoắn Spirulina Nguồn: ITN
Mô hình nuôi tảo xoắn Spirulina
Nguồn: ITN

Thị trường tiêu thụ đa dạng 

Dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều HTX gặp khó trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Để nhanh chóng thích nghi với tình hình hiện nay, một số HTX nông nghiệp trong tỉnh đã chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Có thể kể đến HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt (xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp) đang nuôi tảo xoắn Spirulina với diện tích 1.000m2 ở 40 bể nuôi. Hàng tháng HTX thu được gần 800kg tảo tươi. Sản phẩm có quanh năm đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ phải ổn định thì thu nhập của thành viên mới được bảo đảm. 

Với mục tiêu không để đứt gãy chuỗi sản xuất do dịch Covid-19, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Các thành viên trong HTX đã tích cực sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video giới thiệu về quá trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch tảo xoắn Spirulina, thông tin về nguồn gốc, công dụng sản phẩm tới khách hàng. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, HTX đã tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu, chính vì vậy thị trường tiêu thụ đa dạng, không có tình trạng hàng tồn do không tiêu thụ được.

Tương tự, HTX cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa (huyện Yên Mô) cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào các khâu tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử HTX đã ký kết cung ứng và bao tiêu sản phẩm cá chạch sụn với một doanh nghiệp tại tỉnh Nam Định. 

Ngoài ra, HTX cũng tích cực quảng bá sản phẩm tại các hội nghị như: Hội nghị xây dựng nông thôn mới toàn quốc năm 2018; hội nghị xúc tiến thương mại 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng tại TP. Ninh Bình; hội nghị xúc tiến thương mại cho các HTX với 63 tỉnh, thành phố tại Thủ đô Hà Nội… Các sản phẩm của HTX tham dự hội nghị và hội chợ được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tạo được uy tín, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá nông sản sạch của xã.

Các sản phẩm của HTX được tiêu thụ ổn định, bảo đảm thu nhập cho các thành viên. HTX đã nghiên cứu và chế biến sản phẩm "Chạch sụn kho niêu đất" được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện sản phẩm đã được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso và Cổng thông tin kết nối cung cầu liên minh HTX Việt Nam.

Tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên HTX 

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình Lê Thị Tâm cho biết, hiện toàn tỉnh có 215 HTX dịch vụ nông nghiệp và 114 HTX chuyên ngành nông nghiệp (HTX ngành hàng). Xác định việc chuyển đổi số trong hệ thống HTX trong giai đoạn này là việc làm cần thiết. Để giúp các HTX nắm được những vấn đề cơ bản khi tham gia thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX thông qua các lớp tập huấn "Chuyển đổi số đối với HTX nông nghiệp" nhằm giúp các HTX, thành viên ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều HTX nông nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai. Nguyên nhân do đa số thành viên tham gia HTX nông nghiệp xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn. 

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên các HTX với hình thức "cầm tay chỉ việc". Đồng thời, khảo sát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các HTX từ đó lựa chọn những HTX thực sự hoạt động hiệu quả, nắm bắt được công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình để xây dựng các điển hình tham gia vào thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, các HTX cũng cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, khả năng kết nối thì mới có thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ liên quan.

Thảo Anh