Đồng Nai

Ứng dụng công nghệ thông tin tại bến xe

- Thứ Ba, 24/11/2020, 06:56 - Chia sẻ
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giúp công khai, minh bạch hoạt động của bến xe khách, phục vụ tốt công tác thanh tra, kiểm tra, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm nhu cầu đi lại an toàn của người dân, Đồng Nai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải tại các bến xe. Đến nay, các bến xe trên địa bàn tỉnh đã tiến hành trang bị phần mềm quản lý bến xe và truyền tín hiệu hoạt động về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Bảo đảm cung cấp dữ liệu chính xác, đầy đủ

Theo khoản 3 Điều 56 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, tất cả các bến xe khách phải thực hiện quản lý, áp dụng thông tin từ phần mềm quản lý bến xe khách. Cụ thể, các bến xe phải trang bị phần mềm quản lý bến xe và cung cấp các thông tin về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với thời gian không quá 3 phút, kể từ khi được cập nhật trên phần mềm của bến xe khách. Dữ liệu phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, không cắt xén, không bị sửa đổi hoặc hiệu chỉnh làm sai lệch giá trị trước, trong và sau khi truyền.

Xe khách hoạt động tại Bến xe Biên Hòa
Nguồn: ITN

Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Trần Quang Bình, việc thông tin hoạt động tại bến xe khách sẽ được cập nhật liên tục và được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Phần mềm sẽ tự động tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu, thống kê, báo cáo dữ liệu về hoạt động của từng bến cũng như toàn bộ các bến xe khách trong toàn quốc. Nói cách khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải tại các bến xe nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giúp công khai, minh bạch hoạt động của bến xe khách và phục vụ tốt công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo thống kê trên phần mềm quản lý bến xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đã có 127 bến xe truyền dữ liệu, còn lại 238 bến xe chưa truyền dữ liệu theo quy định. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, từ tháng 10.2020, định kỳ hàng tháng sẽ trích xuất dữ liệu từ hệ thống phần mềm và thông báo đến các Sở Giao thông - Vận tải về tình hình thực hiện việc cung cấp dữ liệu của các bến xe khách theo quy định.

Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các Sở Giao thông - Vận tải đôn đốc, chấn chỉnh và yêu cầu các bến xe khách chưa truyền dữ liệu hoặc có truyền nhưng không liên tục. Theo đó, các Sở Giao thông - Vận tải phải bố trí nhân lực thường xuyên truy cập vào phần mềm để theo dõi, khai thác và sử dụng dữ liệu trên phần mềm để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Quản lý chặt chẽ, nhanh, tiện lợi

Thực hiện quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đến nay các bến xe trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tiến hành trang bị các phần mềm quản lý bến xe và truyền tín hiệu hoạt động về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đồng Nai Dương Mạnh Hưng cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh bến xe khách phải thực hiện đúng lộ trình về trang bị phần mềm và truyền dẫn dữ liệu theo quy định. Trước đó, Sở cũng thành lập đoàn kiểm tra công tác thực hiện tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh. Tuy một số bến xe còn gặp khó khăn trong việc triển khai, song quy định này đã có từ trước nên bắt buộc phải thực hiện đúng.

Là doanh nghiệp đang quản lý 5 bến xe gồm Bến xe Đồng Nai (TP Biên Hòa), Bến xe Tân Phú (huyện Tân Phú), Bến xe Long Khánh (TP Long Khánh), Bến xe Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và Bến xe Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai Tống Thanh Hải cho hay, từ nhiều năm nay, bến xe đã áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động điều hành của đơn vị.

Theo đó, toàn bộ xe khách ra, vào bến được camera tự động chụp lại, hình ảnh được truyền về phòng dữ liệu, chuyển hóa thành số liệu. Xe nào không có giấy phép hoạt động ở bến, xe hết hạn kinh doanh ra vào bến sẽ được nhận diện ngay sau đó. Ngoài ra, thông tin của toàn bộ các chuyến xe ra vào bến như biển kiểm soát, lái - phụ xe, tuyến đường chạy, số lượng hành khách xuất bến và các trường hợp vi phạm cũng như hình thức xử lý tại bến cũng được cập nhật liên tục; thậm chí thời gian đăng kiểm xe sẽ được hiển thị trên phần mềm. Nếu nhà xe đáp ứng đầy đủ, bến sẽ tự động mở lệnh mà nhà xe không cần phải gặp nhân viên để đăng ký lệnh, lấy lệnh xuất bến.

“Phần mềm đã giúp bến xe quản lý chặt chẽ, nhanh, tiện lợi hơn; góp phần quan trọng vào việc quản lý mọi thông tin liên quan đến hoạt động của xe khách từ lịch xe xuất, danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên từng tuyến tới biển số xe, giá vé và mức chất lượng dịch vụ. Từ đó, hỗ trợ ngăn chặn các vi phạm, đưa hoạt động của các bến xe vào nền nếp” - ông Tống Thanh Hải chia sẻ.

Nhật Phương