Tổng công ty Điện lực miền Bắc

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảm tổn thất điện năng

- Chủ Nhật, 10/10/2021, 16:29 - Chia sẻ
Tổn thất điện năng 9 tháng đầu năm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) là 5,00%, giảm 0,28% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, tổn thất điện năng các thành phần đều đang giảm so với cùng kỳ 2020, đặc biệt là tổn thất điện năng lưới điện trung áp và hạ áp (đạt 2,30% giảm 0,29% so với cùng kỳ năm 2020).
Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng EVNNPC họp và truyền hình trực tuyến đến các đơn vị thành viên và các Điện lực thành phốhuyện trực thuộc
Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng EVNNPC họp và truyền hình trực tuyến đến các đơn vị thành viên và các Điện lực thành phố, huyện trực thuộc

Từ những nỗ lực và thành quả của quá trình đầu tư

Đặt quyết tâm cao trong công tác giảm tổn thất điện năng, giảm các sự cố trên lưới điện, phấn đấu tổn thất điện năng của EVNNPC về mức là 4,0% năm 2025, ngay từ năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, EVNNPC đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảm tổn thất điện năng.

EVNNPC hiện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện phân hệ kiểm tra giám sát mua bán điện trên chương trình CMIS, đã hoàn thiện các tính năng, tiện ích; đảm bảo cập nhật tương đối kịp thời, chính xác kết quả thực hiện công tác kiểm tra giám sát mua bán điện  trên hệ thống CMIS đến các đơn vị cấp 4 trong TCT; đã thực hiện ký số và đồng bộ với hệ thống BI của EVN.

Với quyết tâm trên, từ Tổng công ty đến các Công ty Điện lực đã tiếp tục chỉ đạo sát sao trong công tác giảm tổn thất điện năng. Trong đó, Tổng công ty thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện giảm tổn thất điện năng tại các đơn vị, phân tích, đánh giá xác định nguyên nhân gây ra tổn thất đối với các cấp điện áp, các đơn vị tiếp tục nhận diện, khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao xảy ra tổn thất điện năng thương mại và các giải pháp xử lý cho từng khu vực.

Thực hiện nghiêm quy định kiểm tra định kỳ, thay thế công tơ, TU, TI hư hỏng, không phù hợp với các giá trị sơ cấp, đến hết tháng 9.2021 tổng số công tơ bán điện có khả năng thu thập được dữ liệu từ xa của EVNNPC là 5.715.119 chiếc, đạt tỷ lệ 52,8% tổng số công tơ bán điện; đã lắp đặt thiết bị và thu thập dữ liệu từ xa là 5.098.333 chiếc, đạt tỷ lệ 89,2% tổng số công tơ có khả năng thu thập dữ liệu từ xa. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát mua bán điện, toàn Tổng công ty đã phối hợp với chính quyền, Sở Công thương và các cơ quan chức năng địa phương trong kiểm tra xử lý vi phạm sử dụng điện và truy thu điện năng, nhờ đó 9 tháng đầu năm 2021, toàn Tổng công ty thực hiện kiểm tra 3.289.486 lượt khách hàng các loại, xử lý 35.411 trường hợp hư hỏng sai lệch đo đếm và vi phạm sử dụng điện, đặc biệt phát hiện và xử lý xong 7 vụ trộm cắp điện lớn (>20.000kWh), thực hiện truy thu, bồi thường 59,64 tr.kWh, tăng doanh thu 131,16 tỷ đồng, góp phần không làm tăng 0,086% tỷ lệ tổn thất điện năng chung của Tổng công ty trong 9 tháng đầu năm 2021.

Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên nâng công suất máy biến áp, nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng.
Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên nâng công suất máy biến áp, nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng

Trong công tác đầu tư xây dựng lưới điện, EVNNPC đã đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đóng điện các công trình chống quá tải lưới điện hạ áp trước mùa nắng nóng, đến nay toàn Tổng công ty đã hoàn thành đóng điện 1906 TBA. Đặc biệt EVNNPC cũng đã làm chủ công nghệ tự động hóa trạm biến áp 110kV, ứng dụng CNTT trong sửa chữa theo phương pháp CBM cho các TBA 110kV. Hệ thống thiết bị được quy hoạch đồng bộ, bảo đảm khả năng quản lý và cấu hình tập trung, tối ưu về dự phòng thiết bị, phần mềm quản lý máy biến áp cũng đã được hoàn thành từ tháng 3.2021 và đang khai thác vận hành hiệu quả tại 27 Công ty Điện lực. Hiện tại, EVNNPC đã hoàn thành đóng điện 2/5 TBA kỹ thuật số.

Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay tại các đơn vị vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong công tác quản lý, điều hành, phân tích số liệu đánh giá nguyên nhân, triển khai thực hiện giảm tổn thất điện năng, nhiều Điện lực đang giảm tổn thất điện năng thụ động, phụ thuộc chủ yếu vào tăng trưởng thành phần CNXD mà chưa chú trọng nhiều đến việc giảm tổn thất điện năng tập trung vào các ĐZ, TBA sản lượng lớn và tổn thất điện năng cao, giảm tổn thất điện năng bền vững. Tình trạng ghi chỉ số công tơ không đúng lộ trình hoặc ghi chỉ số không đúng quy định vẫn tiếp diễn tác động lớn đến chỉ số tổn thất điện năng tại các đơn vị. Toàn Tổng công ty hiện có 6 Điện lực có tỷ lệ tổn thất điện năng theo cấp điện áp trên 10%; 1190 TBA có tổn thất điện năng trên 10%, giảm 86 trạm so với lũy kế 8 tháng. Trong đó có 63 TBA có tỷ lệ tổn thất điện năng từ 15% trở lên, giảm 8 trạm so với lũy kế 8 tháng; vẫn còn TBA, đường dây vận hành đầy tải; đường dây trung hạ áp dài thiếu thiết bị phân đoạn lưới điện,... Nhiều khu vực đường dây trung áp kéo dài, cũ, quá tải, không có hỗ trợ mạch vòng, mỗi lần công tác phải cắt điện phạm vi rộng.

Quyết tấm chỉ tiêu tổn thất điện năng đạt 4,55%

Với sản lượng điện năng thương phẩm năm 2021 ước đạt 81,1 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng (theo chu kỳ thương phẩm) thực hiện 9 tháng đầu năm đạt 5,00%, giảm 0,28% so với cùng kỳ, để hoàn thành kế hoạch Tổng công ty đặt ra năm 2021 ≤ 4,55% thì 3 tháng cuối năm Tổng công ty phải thực hiện ≤3,08% (3 tháng cuối năm 2020 EVNNPC thực hiện 3,45%), đây là nhiệm vụ khó khăn, để hoàn thành mục tiêu trên cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp.

Thực tế cho thấy, EVNNPC vẫn còn dư địa để giảm tổn thất điện năng, thông qua quản lý công tơ đo đếm, qua công tác đầu tư xây dựng để giảm quá tải, đầy tải lưới điện, công tác quản lý vận hành, điều chỉnh điện áp,…

Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC khẳng định chỉ tiêu tổn thất điện năng là chỉ tiêu quan trọng nhất của Tổng công ty và các đơn vị
Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC khẳng định chỉ tiêu tổn thất điện năng là chỉ tiêu quan trọng nhất của Tổng công ty và các đơn vị

Tại cuộc Họp Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng EVNNPC vừa diễn ra được truyền hình trực tuyến đến các đơn vị thành viên và các Điện lực thành phố, huyện trực thuộc, đã có nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị bàn cụ thể về các giải pháp nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu tổn thất điện năng ở mức ≤4,55%, Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC khẳng định, chỉ tiêu tổn thất điện năng là chỉ tiêu quan trọng nhất của Tổng công ty và các đơn vị. Đối với công tác tổ chức quản lý, kiên quyết gắn trách nhiệm của Người đứng đầu đơn vị, tập thể với kết quả giảm tổn thất điện năng nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của Công ty và Điện lực; Thực trạng một số đơn vị có sản lượng điện lớn thì tổn thất điện năng lưới điện hạ áp rất cao như: Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình….tiềm ẩn nhiều nguyên nhân trong công tác quản trị, kiểm tra giám sát mua bán điện … Đặc biệt Chủ tịch HĐTV yêu cầu từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị cần rà soát, kiện toàn lại bộ máy nhân sự làm công tác kiểm tra giám sát mua bán điện thống nhất quy trình hoạt động, nguyên tắc làm việc, đề ra các giải pháp mang tính đột phá. Song song các đơn vị cần đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt các dự án 110kV, Ban điều hành khẩn trương xây dựng phương án đầu tư xây dựng cho năm 2022 đối với các đơn vị, trình HĐTV phê duyệt hoàn thiện trước 30.4.2022.

Phát biểu chỉ đạo kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Thiện – Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc EVNNNPC yêu cầu các đơn vị cần rà soát, kiện toàn lại Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng, thống nhất quy trình hoạt động, nguyên tắc làm việc, giám đốc các đơn vị phải là trưởng ban chỉ đạo, gắn trách nhiệm cụ thể với kết quả giảm tổn thất điện năng của đơn vị; Kiểm soát chặt chẽ các số liệu về kĩ thuật, kinh doanh... đảm bảo có cơ sở để xác định các nguyên nhân tổn thất chính xác nhất. Các ban chuyên môn Tổng công ty cần phối hợp xây dựng lại biểu mẫu báo cáo về công tác giảm tổn thất điện năng, trong đó bổ sung thêm các chỉ tiêu như thông số vận hành các ĐZ, vận hành tụ bù trung hạ áp, công tác kiểm tra giám sát mua bán điện, dữ liệu về kết nối đo xa của từng đơn vị… Đặc biệt Ban kỹ thuật Tổng công ty chủ trì giao các đơn vị lên phương án tăng giảm tài sản, đo đếm ranh giới để các đơn vị quản lý tài sản theo địa bàn hành chính, chủ động nhận diện, khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao xảy ra tổn thất điện năng, đồng thời cũng là căn cứ để Tổng công ty kịp thời linh động, điều chỉnh lại việc giao chỉ tiêu tổn thất điện năng khi đơn vị được đầu tư dự án mới, lắp đặt MBA…

Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNNPC yêu cầu từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị phải ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát tốt chỉ tiêu tổn thất điện năng
Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNNPC yêu cầu từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị phải ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát tốt chỉ tiêu tổn thất điện năng

Tổng công ty cũng yêu cầu các đơn vị không để xảy ra việc ghi sai lệch, nhầm chỉ số công tơ hoặc ghi không đúng kỳ ghi chỉ số theo quy định và sử dụng nhiều các tổ dịch vụ ghi chỉ số công tơ. Thời gian tới, Tổng giám đốc yêu cầu từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị phải ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát tốt chỉ tiêu tổn thất điện năng, tập trung khai thác phầm mềm Quản lý MBA để kiểm soát tình trạng mang tải, lệch pha, tránh tình trạng thụ động chờ báo cáo từ các đơn vị; sử dụng có hiệu quả phần mềm tính toán tổn thất điện năng lưới điện trung thế (NEMO)...

Trong công tác đầu tư xây dựng, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý dự án để đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, áp dụng phần mềm ECP nhằm kiểm tra xác nhận các công việc trên lưới đúng và đủ so với thực tế. Đẩy mạnh và triển khai các hình thức phù hợp thực hiện công tác kiểm tra sử dụng điện trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, tăng cường công tác kiểm tra sử dụng điện tại các đơn vị trong thực hiện giảm tổn thất thương mại, phối hợp hoàn thiện phân hệ kiểm tra giám sát mua bán điện trên chương trình CMIS; đẩy mạnh thực hiện số hóa trong công tác kiểm tra giám sát mua bán điện.

Đồng thời, các đơn vị cần tiếp tục thay đổi phương thức quản trị đối với công tác giảm tổn thất điện năng, chỉ tiêu hóa, cá nhân hóa tất cả các nội dung, trong đó gắn trách nhiệm cá nhân trong việc chấm điểm KPI, xét hoàn thành nhiệm vụ gắn với trách nhiệm người đứng đầu, xét thực hiện chi trả tiền lương cho người lao động theo các chỉ tiêu Tổng công ty giao.

Bảo Ngân