Hà Nội:

Ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

- Thứ Bảy, 12/06/2021, 20:01 - Chia sẻ
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn), Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Hà Nội có công điện gửi tới các quận, huyện trên địa bàn thành phố để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 12.6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 18,3 độ vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 480 km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão, đến 4 giờ ngày 13.6, vị trí tâm bão ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

từ chiều 12.6 đến ngày 14.6, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa lớn
Từ chiều 12.6 đến ngày 14.6, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa lớn. Nguồn: ITN

Ngoài ra, từ chiều 12.6 đến ngày 14.6, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa lớn dông với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm/ đợt; riêng khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hòa Bình, Phú Thọ có tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm/ đợt, có nơi trên 350mm/ đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Để chủ động ứng phó với các tình thế thời tiết nguy hiểm, Ban chỉ huy PCTT-TKCN các Sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ có thể mạnh lên thành bão và tình hình mưa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình, chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của ATNĐ. Đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân ở những vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình thoát nước trên địa bàn. Bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là các quận nội thành. Các công ty thủy lợi chủ động vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu nước các khu vực trũng thấp.

Các chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công, thiết bị thi công đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn cho người và phương tiện, tránh để tình trạng mất an toàn khi có mưa, bão.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tổ chức lực lượng ứng trực, kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.

Tổng công ty Điện lực Hà Nội và các đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố đối với hệ thống điện, đảm bảo cấp điện phục vụ tiêu úng chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Rà soát phương tiện, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các phương án khi có tình huống xảy ra.  

Thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN Thành phố thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, chủ động kiểm tra đôn đốc các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo các công tác xử lý sự cố và phòng chống úng ngập theo quy định; kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo về Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN Thành phố.

Thảo Anh