Ứng phó bão số 9: Sơ tán triệt để người dân

- Thứ Tư, 28/10/2020, 06:18 - Chia sẻ
Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP Đà Nẵng để chỉ đạo ứng phó bão số 9 (Molave), ngày 27.10, Thủ tướng tiếp tục có công điện yêu cầu các địa phương sơ tán triệt để người dân khỏi nơi nguy hiểm. Đại diện Quân khu 5 đã sẵn sàng huy động 66 nghìn lượt người với 1.700 phương tiện (tàu to, xuồng máy, máy bay trực thăng, ô tô các loại…) tham gia phòng, chống bão số 9. Nếu cần, có thể huy động thêm lực lượng của Quân khu 7, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4…

Tính mạng con người là trên hết

Tính đến 19 giờ hôm qua (27.10), các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã huy động tổng lực để sơ tán 146,8 nghìn hộ dân với 571,7 nghìn người và cho toàn bộ học sinh nghỉ học. Chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên yêu cầu người dân không ra khỏi nhà cho đến khi có thông báo mới.

Quảng Ngãi được dự báo là nơi tâm bão số 9 sẽ đổ bộ. Tại Nhà nghỉ dưỡng của Bộ Công an (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), rất đông người dân đã tập trung về đây và được sắp xếp, bố trí chỗ ăn, ở chu đáo. Trước khi đi trú bão, người dân đã chủ động chèn chống mái tôn bằng bao cát, gia cố nhà cửa bằng dây thừng, di dời phương tiện thuyền, thúng đến vị trí an toàn, neo buộc kỹ lưỡng; thu gom, vận chuyển các vật dụng trong gia đình đến khu ở tập trung. Huyện Bình Sơn dự kiến di dời 10 nghìn hộ dân, đến 17 giờ ngày 27.10, công việc đã hoàn tất.

Người dân yên tâm trú bão tại các khu tập trung
Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết, với phương châm tính mạng con người là trên hết, tỉnh đã huy động tổng lực cán bộ, chiến sĩ về các địa phương để tổ chức di dời dân, chú trọng các xã ven biển, vùng trũng thấp. Trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó bão số 9 tại Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ số 1 là phải bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, nhà nước và yêu cầu tỉnh bảo đảm an toàn tại các âu thuyền, không được để bất cứ người nào ở trên tàu tại thời điểm bão đổ bộ; đồng thời hoàn thành sơ tán 115 nghìn người dân khỏi nơi nguy hiểm trước 19h ngày 27.10.

Công tác di dời 42 nghìn dân của Quảng Nam hoàn thành trước 18 giờ chiều qua và không còn tàu nào ở ngoài khơi. Trong đó, TP Hội An đã lên phương án di dời hơn 9 nghìn người trên địa bàn 13 xã phường đến nơi tránh trú bão; 212 hộ nuôi lồng bè, trong đó, nhiều nhất là ở phường Cửa Đại với 162 hộ cũng đã tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn trước khi bão tới.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã dự trữ lương thực cho các xã bị chia cắt. Các hồ thủy điện đều đã vận hành đưa mực nước về mực thấp nhất đón lũ, có thể hứng 200 triệu mét khối nước. Nếu mưa 200 - 300mm thì bảo đảm cắt lũ an toàn.

Bình Định dự kiến di dời khoảng 15 nghìn hộ dân với gần 65 nghìn nhân khẩu. Đến 17 giờ ngày 27.10, các địa phương chủ động di dời dân, trong đó kiên quyết di dời dân vùng nguy cơ sạt lở ở huyện Phù Cát, An Lão, Hoài Ân. Từ 19 giờ ngày 27.10, tỉnh Bình Định cấm người dân ra khỏi nhà để bảo đảm an toàn. Bộ chỉ huy Quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã triển khai lực lượng cơ động đến các địa phương dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 9 và có thể xảy ra ngập lụt sau bão.

Đà Nẵng khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà từ 20 giờ ngày 27.10 cho đến khi có thông báo mới. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) được nghỉ làm việc trong ngày 28.10 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt). Đến 17 giờ ngày 27.10, những hộ dân cuối cùng trong diện nguy hiểm đã được khẩn trương sơ tán. Bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, cho biết, lực lượng chức năng của phường gồm công an, dân quân, bảo vệ dân phố đã đi tuyên truyền, vận động các hộ dân từ sáng 27.10, đến 14 giờ, tiếp tục đi kiểm tra, giúp đỡ hoặc cưỡng chế người dân (nếu cần).

Kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão được các tỉnh miền Trung tiến hành khẩn trương, hoàn thành trước thời điểm bão đổ bộ
Nguồn: vov.vn

Giảm thiểu thiệt hại 

Trong ngày hôm qua, cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại Đà Nẵng để chỉ đạo ứng phó bão số 9, Thủ tướng tiếp tục có Công điện yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9.

Công điện nêu rõ, bão số 9 dự báo là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm gần đây có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ và Tây Nguyên. Bão di chuyển nhanh với sức gió cường độ cấp 13 - 14, giật cấp 17, sóng có nơi lên cao tới 6 - 8m, phạm vi ảnh hưởng rộng, đổ bộ vào thời điểm triều cường, vô cùng nguy hiểm. Sau bão là mưa to, rất to, Nam Nghệ An, Hà Tĩnh có thể lên tới 500 - 700mm. Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận, các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình; giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo tiền phương chiều 27.10, đại diện Quân khu 5 cho biết đã sẵn sàng để huy động 66 nghìn lượt người với 1.700 phương tiện gồm tàu to, xuồng máy, máy bay trực thăng, ô tô các loại… tham gia phòng, chống bão số 9. Nếu cần, có thể huy động thêm lực lượng của Quân khu 7, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và các lực lượng khác…

Tiểu Phong