Ứng phó kịp thời với thách thức già hóa dân số

- Thứ Ba, 30/11/2021, 05:24 - Chia sẻ
Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để ứng phó và thích ứng kịp với một xã hội già hóa.

Khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030 sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người.

Nguồn: Hội Người cao tuổi Việt Nam

Những năm gần đây, chăm sóc đời sống người cao tuổi để bảo đảm về mặt vật chất và tinh thần luôn là những định hướng chính sách mà Đảng và Chính phủ. Cụ thể, bên cạnh Luật Người cao tuổi có hiệu lực từ 2010 và trên 30 các văn bản quy phạm pháp luật khác, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 đã nhấn mạnh việc quan tâm chăm sóc tới người cao tuổi. Cụ thể, Nghị quyết số 21- NQ/TW đề ra mục tiêu, đến năm 2030, 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Những quy định và mục tiêu trên đã và đang được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi Việt Nam. Tuy vậy, do tốc độ "già hóa dân số" tăng nhanh, gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi lớn (chi phí chăm sóc người cao tuổi cao gấp 8 lần trẻ em). Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi lại chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi khiến Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Bộ Y tế đánh giá, các cơ sở y tế chủ yếu tập trung vào khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Các loại hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Đa số nhân viên y tế ở tuyến huyện, xã, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, nhân viên công tác xã hội, trợ giúp xã hội, tình nguyện viên chưa được đào tạo tập huấn kiến thức về lão khoa, phục hồi chức năng...

Trong khi đó, cơ chế về tài chính, đặc biệt là trong việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi có những bất cập ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhất là tại cơ sở. Một số nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa được đưa vào thanh toán bảo hiểm xã hội như khám sức khỏe định kỳ, dịch vụ chăm sóc khám bệnh, chữa bệnh tại nhà; dự phòng; tư vấn; dinh dưỡng; quản lý, phát hiện, sàng lọc, chẩn đoán sớm các bệnh và phục hồi chức năng của người cao tuổi tại cộng đồng... khiến nhiều người cao tuổi còn ngại đến các cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ.  

Mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra, đến năm 2030 100% người cao tuổi có BHYT

Cần có chính sách đồng bộ

Theo dự báo, đến năm 2038 nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta khoảng 21 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số. Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già”, điều này đòi hỏi sớm có kế hoạch lấp đầy các khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Cũng theo Kết quả Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, chỉ có 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị dẫn đến không điều trị...

Để bảo đảm tất cả người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cần chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để ứng phó và thích ứng kịp với một xã hội già hóa. Cụ thể, cần phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trong việc chăm sóc người cao tuổi, đồng thời cần có chính sách đồng bộ để tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cả ở cộng đồng, ở nhà với chăm sóc tại các cơ sở của Nhà nước và tư nhân; đặc biệt xây dựng và phát triển hệ thống người làm công tác xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ lão khoa… dựa trên nhu cầu.

Nhiều chuyên gia pháp lý gợi ý, việc xây dựng chính sách, chiến lược chăm sóc người cao tuổi mục đích cuối cùng phải đạt 3 tiêu chí: Tỷ lệ tàn tật và ốm đau người cao tuổi xuống thấp, các hoạt động chân tay và trí óc của người cao tuổi được phát huy để tăng trưởng kinh tế và người cao tuổi được tích cực tham gia các hoạt động xã hội để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Để đạt được mục tiêu trên, các chính sách cần đồng bộ, nhanh chóng để ứng phó và thích ứng kịp với một xã hội già hóa”.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam  cho rằng: để người cao tuổi chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, truyền thông nâng cao nhận thức cho người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng. Bởi có nhận thức tốt, hành vi sẽ chuẩn mực và hiệu quả. Mục tiêu này nếu tập trung cao sẽ hoàn thành, nhưng muốn thực hiện được phải có những biện pháp đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và đặc biệt là các cơ quan truyền thông.

Bảo Hân