Chuyên trang Hội đồng nhân dân và cử tri Bắc Ninh

Ứng phó linh hoạt, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

- Thứ Ba, 07/09/2021, 07:06 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tác động lớn đến mọi hoạt động của đời sống, kinh tế - xã hội; nhưng với nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt, Bắc Ninh đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép", giúp phục hồi phát triển sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động.

Duy trì hiệu quả chuỗi sản xuất

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế của Bắc Ninh đã tăng trưởng trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8.2021 tăng 13,63% so với tháng trước và tăng 6,18% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu tháng 8 đạt hơn 3,648 tỷ USD, tăng 3,2% so với tháng trước. Nhiều mặt hàng chủ lực có mức xuất khẩu tăng so với tháng trước như máy vi tính và linh kiện tăng 7,5%; hàng dệt may tăng 4,3%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 3,7%... Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 26,06 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 23,08 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ.

	Công nhân xếp hàng chờ tiêm vaccine
Công nhân xếp hàng chờ tiêm vaccine

Nhờ kiểm soát, khống chế dịch hiệu quả, Bắc Ninh duy trì được chuỗi sản xuất, các khu công nghiệp vẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, còn các dự án đang hoạt động tiếp tục đăng ký tăng vốn đầu tư. Tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng đạt 567,22 triệu USD (vốn đăng ký cấp mới 465,33 triệu USD; vốn điều chỉnh tăng 101,89 triệu USD); thu hút đầu tư trong nước đạt gần 14.590 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 1.508 doanh nghiệp và 494 đơn vị trực thuộc thành lập mới, tổng vốn đăng ký 18.805,6 tỷ đồng.

Sản xuất được duy trì, tạo nền tảng để tăng thu ngân sách nhà nước. Kết quả, 8 tháng đã qua, tổng thu ngân sách đạt 20.045,27 tỷ đồng, bằng 72% dự toán năm và tăng 6,14% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ước 11.654 tỷ đồng, đạt 61,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển ước 6.648,4 tỷ đồng.

Với các giải pháp hỗ trợ cho vay, các gói tín dụng ưu đãi lãi suất của hệ thống ngân hàng, dư nợ cho vay trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Từ tháng 8, dư nợ tín dụng bắt đầu tăng với mức 0,6% so với tháng trước và tăng 23,1% so cùng kỳ. Nguồn vốn này được giải ngân kịp thời, tạo động lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch, duy trì đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 của Bắc Ninh chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải ngân đến cuối tháng 8 đạt 55,28%. Trong đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách tỉnh là 43,23%; ngân sách huyện, xã là 64,03%.

Thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung rà soát, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận được chính sách, bảo đảm đúng đối tượng và quy định của nhà nước. Đến hết tháng 8, toàn tỉnh có 7.158 doanh nghiệp, tổ chức với 461.206 người lao động và đối tượng bị ảnh hưởng được đề xuất hỗ trợ. Tư vấn việc làm, chính sách lao động cho 5.632 lượt lao động, tiếp nhận và giải quyết 1.700 hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp thất nghiệp...

Giải pháp phù hợp với từng thời điểm

Để có được những con số ấn tượng trên, Bắc Ninh đã triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp với từng thời điểm. Theo đó, khi dịch bệnh diễn ra căng thẳng, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, tỉnh yêu cầu các nhà máy giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%; yêu cầu xét nghiệm trước khi trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ... Việc thực hiện hiệu quả những biện pháp này cũng giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, giảm thiệt hại trong giai đoạn dịch bệnh.

Ngay sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh, để giúp các doanh nghiệp bắt tay nhanh vào khôi phục sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới, tỉnh Bắc Ninh nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp, bám sát thực tế hoạt động của các doanh nghiệp để điều chỉnh linh hoạt, giúp doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Nhằm tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” hỗ trợ doanh nghiệp (tư vấn hiệu quả nhất; giải quyết nhanh nhất; chống dịch an toàn nhất). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các sở, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh 3 nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý. Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có 1.104 doanh nghiệp (chiếm 98,6%) trở lại hoạt động bình thường, với 314.203 lao động đã trở lại làm việc bình thường, lao động nước ngoài 7.216 người.

Với quan điểm “mỗi doanh nghiệp” là một “pháo đài chống dịch”, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp, nguyên tắc chống dịch và tuyệt đối không tuyển lao động thời vụ. Duy trì nghiêm việc tổ chức ăn 3 bữa cho công nhân tại nhà máy; thực hiện “2 địa điểm, 1 cung đường”. Thành lập các “Tổ hỗ trợ công nhân”, thiết lập hệ thống quản lý, bố trí người lao động theo 4 cùng (cùng ở - cùng đi làm - cùng làm phân xưởng/tổ - cùng ăn). Các khu lưu trú có Tổ an toàn Covid-19 quản lý, có camera giám sát, ngăn chặn sự tiếp xúc từ bên ngoài và yêu cầu công nhân không ra khỏi nơi ở sau 21 giờ...

Quang Tuấn