Thành phố Hồ Chí Minh

Ứng phó với xâm nhập mặn

- Thứ Bảy, 19/12/2020, 07:06 - Chia sẻ
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng, những nhiệm vụ, giải pháp đề ra không nên dàn trải, mà phải cụ thể, sâu sát, có trọng tâm. Đồng thời, thành phố cũng cần tăng cường hơn nữa các giải pháp hạn chế tác động của con người gây ra biến đổi khí hậu, thông qua các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật; thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu việc làm cho người dân ít phụ thuộc vào thiên nhiên.

Ảnh hưởng lớn do xâm nhập mặn

Theo các chuyên gia, những rủi ro thiên tai mà con người đang phải gánh chịu có nguyên nhân từ tác động của biến đổi khí hậu. Thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn, bão lũ... đang tác động mạnh mẽ và trở thành thách thức lớn, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống xã hội của người dân Việt Nam.

Tại TP Hồ Chí Minh, biến đổi khí hậu không chỉ gây ngập úng, nước biển dâng, hạn hán mà còn tác động tới xâm nhập mặn. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, thành phố chỉ có một phần nhỏ giáp biển ở phía Đông Nam nhưng do có hệ thống sông chính chảy qua nên các quận, huyện khu vực này chịu ảnh hưởng khá mạnh của quá trình xâm nhập mặn.

Xâm nhập mặn đe dọa nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt
Nguồn: ITN

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Ðồng Nai, nhất là sông Sài Gòn, có xu hướng ngày càng xấu hơn. Cùng với đó, nguồn nước các sông còn chịu tác động rất lớn bởi đặc tính thời tiết, thủy văn và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như suy giảm lưu lượng vào mùa mưa, nhất là theo chu kỳ tác động của hiện tượng El Nino và hiện tượng triều cường, nước biển dâng dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn và thiếu nước vào mùa khô.

Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Mai Tuấn Anh cho biết, dưới ảnh hưởng của các yếu tố biến đổi khí hậu như nhiệt độ, nắng nóng, lượng mưa và nước biển dâng khiến chế độ thủy lực trong sông và khả năng lan truyền mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Theo đó, khi độ mặn dâng cao, nguồn cung cấp nước ngọt cho các hoạt động sản xuất khu vực Nhà Bè, Cần Giờ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho TP Hồ Chí Minh cũng gặp khó khăn. 

Chưa kể, sự thay đổi mặn và mức độ lan truyền mặn có xu hướng tăng dần trong tương lai về phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn và hồ Trị An, sông Đồng Nai. Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, nếu không có công trình ngăn mặn, mặn có xu hướng tiến sâu lên thượng lưu, thu hẹp mức độ an toàn của nguồn nước ngọt, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Ngược lại, nếu hoàn thành và vận hành 6 cống ngăn triều, khả năng xâm nhập mặn trên các sông nhỏ sẽ giảm đáng kể.

Cần giải pháp cụ thể, trọng tâm

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100, mực nước biển tại Vũng Tàu có thể dâng thêm 100cm so với thời kỳ 1990 - 2000. Kèm theo nước biển dâng, sự gia tăng biên độ triều tại Vũng Tàu phụ thuộc vào mức độ gia tăng mực nước biển trung bình. Những sự thay đổi đó sẽ có ảnh hưởng nhất định tới chế độ thủy lực và xâm nhập mặn trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai.

Nhằm ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp như phát triển trồng rừng 50ha trên đất ngập nước, bãi bồi ven sông, rạch tại các tiểu khu trong rừng phòng hộ Cần Giờ; kết hợp thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần trên địa bàn. Đồng thời, triển khai nhiều công trình như thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các metro, tuyến buýt BRT, các cống ngăn triều.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố đang đẩy mạnh nghiên cứu mô hình tận dụng năng lượng mặt trời phát điện cho khu vực nông thôn, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước, nhằm bảo đảm tránh ngập úng do lượng mưa và triều cường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nghiên cứu quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, nuôi trồng thủy sản, hải sản thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Sawaco cũng tiến hành phối hợp các viện, trường đại học, đơn vị cấp nước quốc tế để nghiên cứu công nghệ xử lý nước, tương ứng với điều kiện chất lượng nước nguồn bị ô nhiễm xấu hơn trong tương lai. Ðối với nguồn nước sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm và nhiễm mặn vào mùa khô, sẽ nghiên cứu phương án khai thác nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng hoặc di dời điểm lấy nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) lên phía thượng nguồn và bổ sung bể dự trữ nước thô.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thích ứng với biến đổi khí hậu, các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra không nên dàn trải, mà phải cụ thể, sâu sát, có trọng tâm. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa các giải pháp hạn chế tác động của con người gây ra biến đổi khí hậu, thông qua các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu việc làm cho người dân ít phụ thuộc vào thiên nhiên.

Vân Phi