Ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông

- Thứ Hai, 17/01/2022, 07:02 - Chia sẻ
Trong giai đoạn 2021 - 2025, hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực được tỉnh Đồng Nai ưu tiên đầu tư nhằm phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng. Từ đó, xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế.

Hạ tầng giao thông ngày càng phát triển

Đồng Nai là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế của khu vực phía Nam; những năm qua, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh luôn được các bộ, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương chú trọng đầu tư xây dựng. Theo đó, ngày càng có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ, nút giao phức tạp được xây dựng và đi vào hoạt động tạo điều kiện cho việc đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2020 hàng loạt công trình giao thông được đưa vào hoạt động như cầu vượt, hầm chui ngã tư Vũng Tàu, cầu vượt ngã tư Amata, hầm chui Tam Hiệp, hầm chui ngã tư Tân Phong, cầu An Hảo và đường Đặng Văn Trơn nối ngã tư Vũng Tàu với cầu Hiệp Hòa vào trung tâm TP. Biên Hòa... Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình giao thông nói trên tại các nút giao phức tạp đã thay đổi, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, là tỉnh công nghiệp, nhu cầu đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên tuyến đường bộ rất lớn, thực tế này đã tạo áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông của Đồng Nai.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng đầu tư và phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch. Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển chung, mạng lưới giao thông đường bộ hiện vẫn đang trong tình trạng “hụt hơi”. Mạng lưới giao thông vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh và trong khu vực. Do đó, việc đầu tư phát triển thêm một số tuyến giao thông mở mới đồng thời tăng quy mô các tuyến đường hiện hữu làm cơ sở đáp ứng phát triển hạ tầng giao thông toàn tỉnh trong tương lai là rất cần thiết.

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Nguồn: ITN 

Huy động mọi nguồn lực

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới là xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế. Đưa Đồng Nai trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước vào năm 2025 và là một trong những tỉnh phát triển trong top đầu của cả nước vào năm 2030. Do đó, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng được thực hiện bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối với vùng.

Căn cứ văn bản số 491/TTg-KTTH ngày 2.4.2021 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thẩm định của Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là hơn 67,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực giao thông tiếp tục được xác định là trọng điểm ưu tiên đầu tư với gần 32 nghìn tỷ đồng, được dành để đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông gồm các dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới.

Với nguồn vốn được phân bổ cho các dự án giao thông, Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ gia tăng đáng kể năng lực mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025, mạng lưới giao thông của tỉnh sẽ có thêm 53km đường giao thông từ các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và hơn 1 nghìn km đường giao thông từ các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sẽ được tập trung đầu tư như: Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đường ven sông Cái, đường vành đai 3, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành...

Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh cũng cho hay, ngoài nguồn vốn đầu tư công, để phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai cũng đã tính toán khả năng huy động thêm các nguồn vốn khác phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các dự án động lực có tính lan tỏa cao với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân” như xây dựng và công khai các dự án giao thông để thu hút các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư theo các hình thức PPP, ODA; rà soát, quy hoạch quỹ đất dọc các tuyến đường giao thông quan trọng, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, bán đấu giá tài sản cũ không còn phù hợp quy hoạch, vay vốn Chính phủ để đầu tư cho các dự án mới phục vụ nhu cầu phát triển.

Vân Phi